Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Socrates đã phân biệt giữa “Logos” và “Mythos” như thế nào qua vấn đề đạo đức?

Socrates(469 – 399BC), một nhà triết gia cổ đại Hy lạp đã để lại cho hậu sinh một cái nhìn mới của việc nghiên cứu về con người, về đạo đức và về nhân sinh quan. Ông xuất thân trong một gia đình khá giả ở Athen. Cuộc đời của ông gắn liền với nền triết học về con người. Trong đó, vấn đề đạo đức của con người đã được ông làm cho chúng ta phải quan tâm và tìm hiểu. ông đã đưa ra chủ trương mới của vấn đề đạo đức qua “Logos” chứ không phải “Mythos” mà một số trường phái khác quan niệm.
                                                            
Đối với vấn đề đạo đức, Logos” chính là dùng lý trí để hiểu về đạo đức, tức là đạo đức không phụ thuộc vào bất kì ai kể cả thần thánh vì bản chất của nó là đạo đức. Còn đối với “Mythos”, đạo đức chính là vì thần thánh yêu mến nên những gì thần thánh yêu mến là đạo đức. Qua cuộc đối thoại giữa Socrates và Euthyphro, chúng ta thấy rằng hai nhân vật này có hai quan điểm trái ngược nhau về vấn đề đạo đức. Đối với Euthyphro, ông đã tố cáo cha mình về tội giết một đầy tớ phạm tội giết người đã bị chết cách bất công vì bị trói chân tay bởi ông chủ của mình.  Euthyphro nghĩ rằng, làm như vậy là làm hài lòng thần thánh, là một hành vi đạo đức kể cả việc đưa cha của mình ra kiện. Ông quan niệm rằng, đạo đức là luôn làm đẹp lòng thần thánh, là làm điều tôi đang làm; nghĩa là trừng trị bất cứ ai phạm tội giết người, phạm thánh hay bất cứ trọng tội nào tương tự, dù nngười ấy là cha hay mẹ, hay bất cứ ai không có sự phân biệt, không trừng trị họ là vô đạo đức.
Sự phân biệt giữa Logos và Mythos của Sacrates được thể hiện qua cuộc đối thoại giữa ông với Euthyphro. Socrates đã đưa ra nhiều vấn đề và quan điểm của mình để phản kháng lại những tư tưởng của Euthyphro. Tuy nhiên, giữa Socretes và Euthyphro có một điểm chung với nhau đó chính là làm cho linh hồn mình trở nên tốt hơn. Theo Socrates, tri thức và đức hạnh là một. Tri thức là những gì liên quan đến sự hiểu biết, ý nghĩa, thông tin, giảng dạy, giáo dục, giao tiếp, diễn tả, học hỏi  kích thích trí óc. Hay nói đúng hơn tri thức chính là “Logos” về vấn đề đạo đức. Còn đức hạnh là những phẩm chất tốt của con người để làm đẹp lòng thần thánh hay Đấng mình tôn thờ. Socrates đã định nghĩa đức hạnh có nghĩa là hoàn thành chức năng của mình. Là một hữu thể có lý trí, chức năng mỗi người là cư xử theo lý trí để đạt được hạnh phúc đích thực của mình. Vì vậy, giữa Logos và Mythos có một điểm chung là hướng con người đạt đến hạnh phúc.
Tuy nhiên, theo Socrates đạo đức không dừng lại ở chỗ làm các thần hài lòng mà nó vượt lên trên cả những gì mà thần thánh yêu mến vì bản chất tự nó là đạo đức. Socrates đã đưa ra một lời lý giải cho vấn đề đạo đức dựa theo Mythos; thần thánh cũng có những mối quan hệ bất đồng, những thù hằn, ghen ghét và khác nhau. Thế nên, những việc chúng ta làm đẹp lòng thần này thì lại mất lòng thần kia. Vậy, vấn đề đạo đức nằm ở đâu? Socrates cho rằng: cái đạo đức hay thánh thiện được các thần yêu thích vì nó là thánh thiện chứ không phải nó là thánh thiện vì nó được các thần yêu thích.  Ông còn đưa ra mối tương quan giữa đạo đức và công bằng, đạo đức là một phần của công bằng. “Mythos”đã đưa ra đạo đức hay sự thánh thiện là phần của sự công băng chăm sóc cho các thần, cũng như có phần kia của sự công bằng chăm sóc cho con người. Thế nhưng, “logos” đã phản kháng vấn đề chăm sóc cho các thần hay là nghệ thuật phục vụ các thần là để cầu xin điều chúng ta muốn. Như vậy chẳng khác nào là một cuộc trao đổi hay là một cuộc thương lượng với các thần để đôi bên cùng có lợi. Tư tưởng đạo đức của Socrates là chúng ta hoàn thành những chức năng của mình. Là một hữu thể có lý trí, chức năng của con người là cư xử theo lý trí để tìm sự hạnh phúc hay sự tốt lành của linh hồn mình. Vì chúng ta khát vọng hạnh phúc, chúng ta sẽ chọn những hành vi mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Điều này đi ngược lại với “Mythos” là chúng ta đạt được hạnh phúc là do thần thánh ban cho.
Tuy có những mối liên hệ giữa Logos” và “Mythos” là hướng con người đạt đến hạnh phúc đích thực nhưng Socrates, một triết gia cổ đại Hy Lạp đã làm chao đảo giới ngụy biện. Ông nói “Hãy tự biết lấy chính mình”.  Socrates tin rằng cơ cấu nền tảng của bản tính con người là vĩnh hằng nên cách thức hành động và một số giá trị đạo đức cũng là vĩnh hằng. Đây là cơ sở để ông chiến thắng chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa tương đối của các nhà ngụy biện. Ông là người đầu tiên vạch ra con đường cho nền triết học đạo đức trong lịch sử văn minh phương tây.

                                                                                                                           Paul Alex