Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Chiến thắng căng thẳng tâm lý: Bí quyết về đích trong mùa thi đại học

Đối với hầu hết thí sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp và mùa thi ĐH, các em đều chuẩn bị cho mình một tâm thế “chạy nước rút” cho chặng đua về đích, vì thế các em luôn trong tâm trạng căng thẳng, với một áp lực đậu – rớt cao  đối với cả học sinh và phụ huynh …  từ đây nhiều vấn đề tâm lý nảy sinh.

Những vấn đề tâm lý trong khi học bài thi

Trong khi học thi các em nên hiểu:
Việc học bài trong luyện thi ĐH là một cuộc đua maratông, đích đến cuối cùng là kết quả đậu vào một trường ĐH  mà các em mơ uớc, chính vì vậy việc học ôn, làm bài tâp là chuyện được sắp xếp trong suốt quá trình học dài hơi nhiều ngày tháng; để bền sức và giữ cho đến phút về đích cuối cùng, chúng ta không học dồn dập trong thời điểm gần thi, cách học mà đa số thí sinh đã làm là “nhồi nhét” kiến thức, và không ít bạn đã chọn lựa cách “học tủ” để ăn may, vấn đề này đã phần nào được hóa giải bằng kiểu thi trắc nghiệm.

Nhắc lại chuyện học tủ trong thi cử là đề cập đến một vấn đề quá cũ của một chuyện không mới, tôi chỉ  muốn đề cập đến khía cạnh tâm lý trong việc học thi:
Theo quy luật của chú ý và trí nhớ thì khả năng tập trung chú ý và tiếp nhận kiến thức của người trưởng thành là 45 phút. (Mới có quy định tiết học 45 phút) Chúng ta cần nên tôn trọng quy luật tâm lý đó trong học tập, để tránh sa đà vào  việc học mà quên mất việc phải cho tâm trí nghỉ ngơi.Vì vậy trong mùa thi, khi thấy buồn ngủ cứ đi ngủ, việc buồn ngủ là đòi hỏi hay là phản ứng báo động của cơ thể.
Một điều cần lưu ý trong việc phân bổ thời gian cho học tập và vui chơi giải trí, đừng quan niệm tới mùa thi là phải “cắm cổ” học, không được vui chơi phút nào, việc vui chơi hợp lý giúp tái tạo năng lượng sống, sức sáng tạo, sự thư giãn tâm trí, sẽ làm não bộ  tiếp thu kiến thức tốt hơn.

Với cơ chế trí nhớ, nếu chúng ta vừa tiếp nhận một kiến thức mới chúng ta sẽ  nhớ nhanh, trí nhớ tạm thời, nhưng sẽ chóng quên, sau khi học, về nhà ta nên coi bài lại ngay, ta sẽ nhớ bài lâu và tốt hơn là để một thời gian sau mới học lại. Muốn lưu lại kiến thức đó bền lâu trong trí nhớ ta phải dùng cách học, hồi tưởng trí nhớ, liên tưởng các vấn đề, khái niệm bằng hình ảnh, ngày nay các nhà sinh lý thần kinh phát hiện rằng; não phải có chức năng lưu giữ trí nhớ bằng hình ảnh, khi học chúng ta liên tưởng qua hình ảnh giúp nhớ lâu và tốt hơn cách ghi nhớ bình thường.

Ví dụ cho 100 danh từ hiện lên trong 3 phút, cho chúng ta lặp lại, chúng ta không thể nào nhớ hết, nhưng liên tưởng các danh từ ấy bằng hình ảnh, rồi sắp xếp hình ảnh thành một câu chuyện có nghĩa, chúng ta sẽ nhớ dễ dàng trong 3 phút.

Tạo cho mình một tâm thế thật thoải mái:
Khi các bạn đi thi với một tâm thế sẳn sàng, tự tin vào chính mình, vào kiến thức, sự chọn lựa và quyết định của mình, các em không lo sợ rớt, sẽ thoải mái trong suy nghĩ, trong cảm xúc và tâm trạng lúc làm bài. Các bạn hay lo âu, sợ thi rớt sẽ nghĩ nhiều đến điều đó, sợ hãi làm ta bị loạn tâm trí, gây mất bình tĩnh, đừng quá áp lực việc đậu rớt, mà hãy tập trung học và làm bài hết khả năng mình, hãy học bài học thành công và thất bại qua kết quả thi. Khi đi thi không nên mang theo tài liệu, coi cho tới lúc vào phòng thi, (phần lớn thí sinh đã làm như vậy) chỉ làm các em thêm rối, trong giờ phút đó các em nên thật thư giản, thả lỏng tất cả cơ bắp, kể cả cơ mặt, hít thở thật sâu, nhẹ nhàng và đều đặn để giữ cảm xúc quân bình, tránh quá hồi hộp, toát mồ hôi, mất kiểm soát suy nghĩ , trong cuộc đua ngang sức ngang tài, ai giữ được bình tĩnh nhiều chừng nào phần thắng sẽ thuộc về người đó.

Và tâm thế trong khi làm bài thi
Trong Phòng thi  khi làm bài:
Tâm lý trong phòng thi là vấn đề hết sức quan trọng, nếu trong giờ phút đó các em quá lo sợ, sẽ tự tạo cho tâm trí mình một áp lực rất lớn, ảnh hưởng lên cơ chế sinh lý cơ thể và hệ thần kinh, gây ức chế.
Quá trình nhận thức là quá trình làm việc cật lực của tư duy, ở đó các quá trình phân tích, tổng hợp, so sánh, phán đoán, suy lý diễn ra theo một qui trình liên hoàn, muốn có được chất lượng tư duy tốt, thí sinh nên tập trung cao độ vào việc giải quyết đề bài một cách độc lập, không nên phân tâm bởi ngoại cảnh (giám thị gác thi, bạn bè xung quanh…) hay cố nhớ, loay hoay một vấn đề đã quên,
Cần đọc thật kỹ đề bài trước khi đặt bút vào làm, vì khi đó cảm xúc hồi hộp lấn át tâm trí rất nhiều, ta dễ bị nhầm lẫn, ngộ nhận yêu cầu của đề bài, rất nhiều thí sinh học rất tốt, nhưng do không giữ được bình tĩnh khi đọc đề, hiểu sai đề mà thi hỏng.
Trong quá trình làm bài cần tập trung nhưng không nên quá say sưa, sa đà vào giải quyết đề bài mà không kiểm tra lại những gì mình đã làm, sau một thời gian tập trung suy nghĩ để làm bài, thí sinh cần thư giản, vài phút ngồi quan sát xung quanh, để đưa tâm trí mình trở lại bình thường, lúc đó nên coi lại những gì đã làm, để kiểm tra một cách khách quan hơn, phát hiện sai lầm kịp thời, và để tiếp tục nạp thêm ý tưởng mới cho việc giải quyết những câu kế tiếp.

Ứng xử trong phòng thi:
Một vấn đề tế nhị mà các em cần nhớ là mối quan hệ với bạn bè cùng phòng thi, sẽ có người rất lôi thôi, họ cứ làm phiền chúng ta, vì cứ theo hỏi bài hoài, nếu gặp phải người bạn làm chúng ta mất quá nhiều thời gian bởi những câu hỏi, gây mất tập trung, làm phiền (vì bị giám thị nhắc nhở) chúng ta nên im lặng không trả lời các câu hỏi của bạn, để giữ được sự tập trung cao độ khi làm bài, không để họ có cơ hội gây phiền toái.
Các em nên nhớ một phút trong phòng thi có giá trị bằng cả một tương lai, kết quả đậu hay rớt sẽ quyết định ngã rẽ số phận, cuộc đời. Chính vì thế, không bao giờ rời phòng thi khi hãy còn thời gian làm bài , người ra đề đã tính toán thời gian làm trong bao lâu mới hoàn thành bài thi, chúng ta nếu có làm xong dành thời khắc đó xem kỹ lại bài làm, bổ sung, chỉnh sửa kịp thời những sai sót không đáng có. Rất nhiều em do tâm lý phải ra sớm hơn giờ thi, chứng tỏ mình làm bài hay, tốt hơn người khác đã phải ngậm ngùi nuốt trái đắng thi rớt.
Thi cử cũng như  mọi vấn đề khác, sẽ có chuyện may rủi xảy ra, nhưng sẽ không ảnh hưởng lớn đến ta, nếu chúng ta chuẩn bị cho mình một hành trình ôn thi thật khoa học, một tâm lý thật cân bằng khi bước vào mùa thi, và trong lúc làm bài thi.
Vinh quang chỉ đến với ai giữ được cho mình sự bền bỉ của ý chí, sự bình tĩnh và tự tin ở việc mình làm. Tất cả những điều này là do yếu tố tâm lý chi phối và quyết định…

Thac sĩ. Tâm lý Nguyễn Thị Tâm

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Truyền thuyết ánh bình minh

Trở về thời cổ tích
Truyền thuyết ánh bình minh
Nghe cụ già kể lại
Cổ tích của chính mình…


Ngày xưa trời và đất
Một màu đen bịt bùng
Cỏ cây và thú vật?
Tất cả con số không

Thế rồi… một vị thần
Xuất hiện từ đâu đó
Vá trời, đầu đội đá
Và mưa… to… thiệt to

Biển bắt đầu sinh ra
Trời cao xanh… mây trắng
Chim chuyền cành ríu rít
Đêm về có ánh trăng

Nhưng còn chút băn khoăn
Sao vẫn hoài tăm tối?
Ánh sáng nhỏ nhoi quá
Không đủ để rong chơi…

Thần Mặt Trời xinh tưoi
Từ chân trời bay đến
Chói lòa màu óng ánh
Xua bóng tối ngủ quên

Tia nắng vàng đầu tiên
Nhỏ nhoi và nghịch ngợm
Đậu trên từng cọng cỏ
Ươm chút tình thảo thơm

Bình minh thích giận hờn
Rong chơi đi muôn nẻo
Đôi khi quên ló dạng
Người với người... trông theo...

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Ý Nghĩa Của Sự Phục Sinh Trong Tân Ước: Cội Nguồn Do Thái Giáo

William L. Burton, OFM
The Bible Today,
Vol. 49, số 45, September/October 2011, tr. 285-290

Để hiểu Tân Ước nói gì về sự phục sinh, chúng ta cần phải am tường bối cảnh tôn giáo của các bản văn Tân Ước cũng như bối cảnh của những người đọc các bản văn này. Chúng ta phải xét đến ngữ cảnh của người viết lẫn độc giả, nghĩa là thế giới ý nghĩa của người Do Thái.


SỰ PHỤC SINH TRONG TƯ TƯỞNG DO THÁI

Quan niệm tôn giáo về sự phục sinh của người chết hầu như không được người Do Thái cổ xưa biết đến. Mãi cho đến thế kỷ thứ I và II trước Công nguyên cũng không. Chính xác đây chỉ là hình thức muộn thời của niềm tin Do Thái giáo, được Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài chia sẻ. Trong Cựu Ước, chúng ta thấy nhắc đến sự phục sinh trong sách Maccabê 1 và 2, sách Daniel. Hơn nữa, chúng ta cũng biết rằng trong Do Thái giáo thời ấy, niềm tin vào sự phục sinh của người chết không được mọi người Do Thái đồng tình. Những người Samaritanô rõ ràng không tin điều ấy, người Sađucêô cũng không. Bởi thế cho nên không mấy ngạc nhiên khi người Sađucêô không tin vào các thực tại thiêng liêng nói chung như linh hồn, thần khí, ma quỷ, vv…, không tin vào sự phục sinh. Trong khi vấn đề này đặt ra nhiều điểm quan trọng, cần phải nói rằng người Do Thái Giêsu và các môn đệ người Do Thái của Ngài, gồm cả các tác giả Tân Ước, hầu như tin chắc vào sự phục sinh của người chết.

Những người Do Thái vào thời Đức Giêsu thật sự đã hiểu gì về sự phục sinh của người chết? Họ quan niệm thế nào? Đây thật cũng là mớ bòng bong. Như đã nói, người Sađucêô và Samaritanô phủ nhận bất kỳ ý niệm nào về sự phục sinh của người chết. Cũng chẳng biết người Essênêô, một nhánh Do Thái giáo thời ấy, quan niệm thế nào. Họ có nghĩ rằng phục sinh người chết là thân xác sống lại, hay chỉ đó là sự hiện hữu thiêng liêng kéo dài của linh hồn như một bản thảo trong Bản Cuộn Biển Chết (1QS 4:7-8) đã nói: “Niềm vui vĩnh cửu trong cuộc sống, triều thiên vinh quang và vẻ ngoài đường bệ trong ánh sáng khôn cùng”? Thật khó mà nói được. Ngay cả người Pharisiêu cũng có vài vấn đề. Họ tin rằng người công chính sẽ chỗi dậy từ cõi chết và sau đó nhập vào thân xác, nhưng sử gia Josephus cho rằng họ chỉ tin điều này về linh hồn và thân xác của người công chính, còn linh hồn của kẻ tội lỗi vẫn tách biệt khỏi thân xác và chịu hình phạt đời đời (Josephus, Cuộc chiến tranh Do Thái, 2:163). Tuy nhiên, các nguồn sách vở kinh sư sau này cho thấy rằng chỉ một thời gian ngắn sau thời Chúa Giêsu – có lẽ chỉ sau khi Đền Thờ Giêrusalem bị người Roma phá hủy vào năm 70 công nguyên – thì sự phân biệt giữa số phận người công chính và người tội lỗi đã biến mất, và niềm tin rằng mọi người sẽ sống lại, hợp nhất cả hồn và xác, có người hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, có người phải chịu hình phạt đời đời, dường như đã trở thành quan điểm chung.

Sự phục sinh trong Tân Ước cũng được hiểu và phát triển trong cách hiểu của người Do Thái. Trong toàn bộ các sách Tân Ước, chúng ta thấy rõ sự phát triển này trong bộ hai tác phẩm của Luca: Tin Mừng Luca và Tông Đồ Công Vụ.

SỰ PHỤC SINH CỦA CHÚA GIÊSU

Hẳn nhiên, trong Tân Ước, biến cố định hình và trở thành chuẩn mực cho niềm tin Kitô giáo vào số phận của người chết là sự phục sinh của Chúa Giêsu. Các tác giả Tin Mừng chia sẻ vài đồng thuận nào đó về vấn đề này. Sự phục sinh của Đức Giêsu là biến cố có thực, một biến cố lịch sử không tranh cãi, nhưng chính ý nghĩa của biến cố này mới là điều quan trọng đối với các tác giả Tân Ước. Sự phục sinh của Đức Giêsu khai mạc tiến trình cánh chung, chương cuối cùng trong lịch sử nhân loại, và nhờ đó mà vận mệnh cánh chung của các tín hữu được bảo đảm. “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6, 8). Hơn nữa, phục sinh của Đức Giêsu là sự xác minh cho căn tính cứu thế của Ngài và cho thấy sự tưởng thưởng của Thiên Chúa cho sự đau khổ và cái chết nhục nhã của Ngài. Cái nhìn này về sự phục sinh của Đức Giêsu được tìm thấy trong khắp cuốn Tân Ước.

Trong số những đề cập đến sự phục sinh và ý nghĩa của nó trong Tân Ước thì các nguồn quan trọng nhất là các thư của Thánh Phaolô, các sách Tin Mừng, và cuốn Tông Đồ Công Vụ. Ở đây chúng ta sẽ bàn đến những nguồn này theo trật tự: trước hết là Thánh Phaolô, rồi đến các Tin Mừng – đặc biệt là Tin Mừng Luca – và cuối cùng là sách Tông Đồ Công Vụ.

PHỤC SINH THEO THÁNH PHAOLÔ

Thánh Phaolô không quan tâm đến trình thuật về sự phục sinh của Đức Giêsu cho bằng ý nghĩa của biến cố này đối với các Kitô hữu. Đối với Thánh Phaolô, biến cố lịch sử mà Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết chỉ là một sự kiện. Giống như những tác giả Tân Ước khác, Thánh Phaolô tin rằng thực tại thể lý và lịch sử của biến cố Đức Giêsu phục sinh là điều không thể chối cãi:

Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non. (Rm 15, 3-8)

Là người sáng lập và phát triển các cộng đoàn Kitô giáo, Thánh Phaolô đã có hướng nhìn của một nhà giảng thuyết và là chủ chăn, phải cố gắng làm sao để mở bật ra ý nghĩa của biến cố này cho các Kitô hữu. Khi rao giảng, Thánh Phaolô đã phải khó khăn nối kết biến cố lịch sử của sự phục sinh thân xác nơi Chúa Giêsu với sự phục sinh của mọi người đã chết khi Đức Kitô trở lại. Vì thế, trong thư thứ nhất gởi giáo đoàn Thessalônica, Thánh Phaolô dùng sự phục sinh của Chúa như là một bảo đảm rằng số phận của Chúa Giêsu cũng được chia sẻ với những ai tin vào Ngài: “Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1 Tx 4, 14). Thánh Phaolô là tác giả đầu tiên trong Tân Ước đã nối kết niềm hy vọng cánh chung đã được bảo đảm của sự phục sinh nơi Chúa Giêsu và nơi các tín hữu với nghi thức rửa tội.

Trong thư gởi các tín hữu Roma, Thánh Phaolô đã chứng minh nhờ bí tích rửa tội mà các Kitô hữu được chia sẻ số phận này của Chúa Phục Sinh: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6, 3-4). Sau này, Thánh Basiliô, một trong những giáo phụ đầu tiên của Giáo Hội, đẫ nối kết cách sinh động hơn nữa: “Qua bí tích rửa tội, chúng ta bắt chước cuộc mai táng của Đức Kitô. Thân xác của người chịu phép rửa tội được chôn vùi trong nước …” (Basil, Về Chúa Thánh Thần).

Như vậy, Thánh Phaolô đã dùng sự kết hiệp với Đức Kitô trong bí tích rửa tội như một nền tảng cơ bản cho nhiều giáo huấn phát sinh của ngài. Chẳng hạn, trong 1 Côrintô, Thánh Phaolô đã rút ra một vài tiêu chuẩn luân lý cho đời sống người Kitô hữu như là hệ quả của sự thâm nhập vào Đức Kitô nhờ bí tích rửa tội, Vì đã được tháp nhập vào thân thể Đức Kitô (en Christo trong tiếng Hy Lạp) qua bí tích rửa tội nên người đã được rửa tội không thể kết hợp thân xác này với gái điếm cũng như không thể mang thân xác này vào các đền đài thờ cúng ngẫu tượng ngoại giáo. Trong 1 Thessalônica, Thánh Phaolô dạy rằng người Kitô hữu được kết hiệp với Đức Kitô qua bí tích rửa tội, khi qua đời thì họ cũng không chia lìa với mọi người khác, ngay cả chính sự chết. Sự chia lìa với những Kitô hữu thân yêu đã qua đời của chúng ta chỉ là vẻ bề ngoài, không phải là thực sự, cho nên chúng ta không cần phải buồn sầu thái quá. Như vậy, Thánh Phaolô đã gởi sứ điệp an ủi đến những người Thessalônica, dựa vào phép rửa của họ với Đức Kitô Phục Sinh: “Chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng” (1 Tx 4, 13). Do đó, đối với Thánh Phaolô, chính cái ý nghĩa của sự phục sinh nơi Đức Kitô mới là điều quan trọng đối với Kitô hữu chứ không phải trình thuật về biến cố phục sinh hay ngôi mộ trống. Chính thần học về bí tích rửa tội của Thánh Phaolô, dựa trên niềm tin chắc chắn của ngài về sự phục sinh, mà Giáo Hội đã đặt nền tảng cho những giáo huấn quan trọng về sự sống đời sau, về Giáo Hội học, hành vi luân lý của người Kitô hữu cũng như niềm tin các thánh thông công.

PHỤC SINH THEO CÁC TIN MỪNG

Các trình thuật Tin Mừng về biến cố phục sinh của Chúa Giêsu phản ánh quá trình phát triển về ý nghĩa của sự phục sinh trong Giáo Hội sơ thời, một sự phát triển chịu ảnh hưởng đặc biệt của Thánh Phaolô hoặc qua đó nói lên rằng Thánh Phaolô và các tin mừng cùng chia sẻ chung với nhau các truyền thống sơ thời về sự phục sinh. Từ Tin Mừng đầu tiên của Thánh Marcô cho đến Tin Mừng cuối cùng của Thánh Gioan, chúng ta thấy rằng những trình thuật chi tiết về việc khám phá ngôi mộ trống đã có sự khác biệt – không có những chứng nhân trực tiếp về sự phục sinh của Chúa Giêsu, chỉ là những gì xảy ra sau này. Có một số chi tiết khác nhau: khác nhau về căn tính của chứng nhân, cả con người lẫn thiên thần; lời chứng cũng khác nhau và sự gặp gỡ của các nhân chứng với Chúa Giêsu phục sinh cũng khác nhau. Nó thay đổi từ Tin Mừng này đến Tin Mừng khác. Dù rằng xét tổng thể thì trình thuật về sự phục sinh của mỗi Tin Mừng xem ra giống nhau, nhưng ý nghĩa được gán cho sự phục sinh trong Tin Mừng Luca và Tông Đồ Công Vụ đáng chúng ta để ý vì nó đặt nền trên Sách Thánh của Do Thái giáo.

Ý NGHĨA CỦA SỰ PHỤC SINH TRONG LUCA VÀ TÔNG ĐỒ CÔNG VỤ

Mặc dù các trình thuật Nhất Lãm giống nhau, nhưng nhãn quan của Luca khác biệt đáng kể. Trong Tin Mừng của mình, Thánh Luca nhấn mạnh rằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là cần thiết (dei trong tiếng Hy Lạp). Nó cần thiết để Sách Thánh được “ứng nghiệm” (Lc 4, 21; 9, 51; 18, 31; 21, 22; 23, 37; 24, 44). Đối với Thánh Luca, cả trong Tin Mừng lẫn Tông Đồ Công Vụ, phục sinh được hiểu như là sự ứng nghiệm cần thiết của niềm hy vọng và lời tiên tri trong Do Thái giáo thưở xưa. Điều này thật rõ ràng trong câu chuyện làng Emmau, khi Chúa Giêsu phục sinh hỏi: “Chẳng phải là điều cần thiết khi Đấng Cứu Thế phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” và rồi “bắt đầu từ ông Môisê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 26-27). Như Luke Timothy Johnson đã viết trong chú giải Tin Mừng Thánh Luca (Sacra Pagina 3, 405), Thánh Luca gắng sức chứng minh rằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu đã được Sách Thánh tiên báo: sách Torah, sách Các Tiên Tri và những bản văn khác. Về sự phục sinh của Chúa Giêsu, Thánh Luca luôn nhất quán trong Tin Mừng của mình cũng như khi viết về lịch sử Giáo Hội sơ thời trong Tông Đồ Công Vụ. Trong cả hai cuốn sách, “Thánh Luca sử dụng “lời tiên tri và sự ứng nghiệm” nhiều hơn hết trong tất cả các bản văn khác của Tân Ước” (Luke Timothy Johnson, Tông Đồ Công Vụ, Sacra Pagina, 5, 12).

Không giống như các Tin Mừng, Tông Đồ Công Vụ không có trình thuật ngay sau khi Chúa Giêsu phục sinh. Nhưng như trong Thánh Phaolô, nhờ Tông Đồ Công Vụ mà chúng ta biết được ý nghĩa của sự phục sinh trong Giáo Hội sơ thời cũng như nó được rao giảng như thế nào. Như đã nói trên, một phát triển quan trọng trong Tông Đồ Công Vụ là trình bày cách hiểu của Giáo Hội sơ thời về sự phục sinh của Chúa Giêsu như là một phần ứng nghiệm các lời tiên báo của Cựu Ước được hoàn tất trong Chúa Giêsu (Cv 1, 16; 13, 27). Trong bài đại diễn từ đầu tiên của Tông Đồ Công Vụ (Cv 2, 14-36), Thánh Phêrô trình bày cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu như là “áp dụng chú giải midrash các bản văn về Đấng cứu thế trong sách Torah” (Johnson, Tông Đồ Công Vụ, 54). Trong diễn từ này, Thánh Phêrô trích dẫn ngôn sứ Gioel và Thánh Vịnh 15, chủ đề này cũng được tiếp nối trong các diễn từ khác của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô trong Tông Đồ Công Vụ. Như vậy, Thánh Luca “thành công cách thuyết phục trong việc làm cho câu chuyện về Đức Giêsu của mình và bước khởi đầu của người Kitô hữu như là sự nối dài của lịch sử Thánh Kinh” (Ibid., 12). Sự phục sinh của Chúa Giêsu là một phần của kế hoạch lớn lao hơn của Thiên Chúa, được khai mạc trước hết nơi dân Do Thái, được Sách Thánh của họ tiên báo, và cuối cùng ứng nghiệm và có hiệu lực trong sự phục sinh của Chúa Giêsu.

Chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Khái Quát Về Dòng Đức Mẹ Lên Trời

«Con người của niềm tin và con người của thời đại» (TL1,2). Đó là tinh thần và phương hướng đào tạo các tu sĩ dòng thánh Augustinô-Mẹ Về Trời vì mục đích “làm cho nước Chúa trị đến” (TL1,4). Tinh thần này được đấng sáng lập - cha Emmanuel d’Azon và các anh em đồng sáng lập ra sức thực hiện và được tiếp nối qua các thế hệ tu sĩ dòng Mẹ Về Trời “những người thợ hăng say cho nước Chúa” (LT).


Một số nét khái quát về Dòng và linh đạo.

Sáng lập và đấng sáng lập

Sau cuộc cách mạng năm 1789, xã hội Pháp rơi vào tình trạng rối loạn và chao đảo. Nhiều ý thức hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ra đời và phát triển, đặc biệt là ý thức hệ về nền cộng hòa và về quyền con người. Những ý thức hệ này ra đời nhằm xây dựng một xã hội chỉ dựa trên những quyền lợi thuần túy của con người mà loại bỏ các giá trị đạo đức Kitô giáo. Hình ảnh về Thiên Chúa có nguy cơ bị xóa bỏ khỏi đời sống con người và xã hội. Đối với những người theo “chủ nghĩa tự do” này, Giáo Hội là biểu tượng của một khối óc tín điều và bảo thủ. Những chỉ trích về Giáo hội-giáo quyền cũng như tín điều- cũng vì thế không ngừng gia tăng. Người Pháp, đa số là công giáo, dần mất đi những điểm tựa trong niềm tin và trong nếp sống. Cũng trong bối cảnh rối khó khăn này của Giáo Hội, Noel 1845 dòng Mẹ Về Trời được thành lập bởi cha Emmanuel d’Alzon và cùng với năm anh em khác.
Cha E.d’Alzon ra sức để bảo vệ quyền lợi Thiên Chúa và chống lại chủ nghĩa tự do thế tục hóa. «Con người từ chối Thiên Chúa bởi vì Ngài đã « làm phiền » con người khi đặt trong họ lương tâm, ý thức trách nhiệm và những giá trị đạo đức » (LT). Đối với cha, quyền lợi Thiên Chúa và quyền lợi con người không thể tách rời nhau, cũng như không thể tách rời Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội. Đó cũng là lý do cha đấu tranh chống lại “chủ nghĩa xa lìa và độc lập” với giáo quyền Rôma (gallicanisme).
Cha lấy tư tưởng và luật dòng thánh Augustinô làm cơ sở cho sự thành lập dòng. Tư tưởng của Thánh Augustinô đặc biệt nhấn mạnh về sự thật, sự thiện, sự hiệp nhất, sự khiêm nhường, tình huynh đệ, tình yêu Thiên Chúa và Giáo Hội, hoạt động tông đồ… Điều này cho phép các tu sĩ vừa có thể sống mối thân tình với Đức Kitô vừa có thể minh chứng tình yêu của Ngài bằng đời sống và các hoạt động tông đồ.
Cha E. d’Alzon xuất thân từ một gia đình quí tộc ở Nîmes, một thành phố nhỏ miềm nam nước Pháp. Vì thế, cha được hưởng một nền giáo dục rất chu đáo ngay từ thời thơ ấu. Sớm có ý thức phục vụ và bảo vệ Giáo hội Công Giáo, cha theo học nghành luật sư, học thần học và được thụ phong linh mục ở Rôma năm 1834. Cha nhanh chóng trở thành tổng đại diện giáo phận Nîmes và đảm trách vai trò này trong 40 năm. Với sự nhiệt thành, rộng lượng, vô vị lợi; một niềm tin mãnh liệt và một tình yêu nồng cháy dành cho Đức Kitô, cha đem hết tâm sức của mình phục vụ Chúa, Giáo hội và phục vụ anh em.

Khẩu hiệu

« Nguyện nước Cha trị đến » (TL 1,13)
« Hãy mặc lấy tình yêu của Đức Giêsu Kitô » (LT) hay nói theo ngôn ngữ thánh Augustinô « thước đo của tình yêu là yêu không giới hạn ».
Ba chiều kích của tình yêu : Đức Kitô, Đức Trinh nữ và Giáo hội
Linh đạo của dòng Mẹ Về Trời có thể được tóm lược như sau : “Tình yêu cho Chúa chúng ta, cho Đức Trinh nữ, mẹ Ngài và cho Giáo hội, hiền thê của Ngài » (LT). Thực ra đó là một tình yêu duy nhất bắt nguồn từ Đức Kitô và được chia sẻ tới những người mà Ngài yêu mến.

Đời sống cộng đoàn

Anh em dòng thánh Augustinô-Mẹ Về Trời là những tu sĩ sống thành cộng đoàn và nhấn mạnh ba chiều hướng : sống thân tình với Đức Kitô, đời sống cộng đoàn và hoạt động tông đồ.
Đức Kitô là trung tâm điểm của đời sống các tu sĩ Dòng Mẹ Về Trời.
Tình huynh đệ được đặc biệt nhấn mạnh trong đời sống cộng đoàn và được xây dựng trên sự khác nhau của mỗi thành viên; trên sự thẳng thắn, cởi mở, chia sẽ và ý thức trách nhiệm; trên sự tôn trọng, chấp nhận và tha thứ lẫn nhau.
Ba phẩm chất quan trọng : thẳng thắn, can đảm và vô vị lợi.
Sự thẳng thắn bao gồm sự thành thực, sự tự do, sự cởi mở con tim, thẳng thắn trong lời nói và việc làm.
Sự can đảm, dũng cảm hay táo bạo . Đó là phẩm chất cần thiết để giữ vững đức tin, để minh chứng và loan báo triều đại của Thiên Chúa. « Cần có một một tình yêu và niềm tin dũng cảm, nếu không anh em sẽ đánh mất tinh thần của Dòng Mẹ Về Trời ».
Vô vị lợi là dấu chỉ của một tình yêu chân thành mà nó được thể hiện rõ nét trong sự rộng lượng. « Đó là sự vô vị lợi trong tình yêu ».

Hoạt động : Giáo huấn, xã hội và đại kết

Anh em Dòng Mẹ Về Trời hoạt động tông đồ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng tất cả được qui tụ dưới ba hình thức : giáo huấn, xã hội và đại kết. Theo cách nói của thánh Augustinô, có nghĩa là : sự thực, sự thiện và sự hiệp nhất. Ba hình thức hoạt động này không tồn riêng lẽ nhưng quyện chặt vào nhau trong các hoạt động của Dòng.
Giáo huấn : Dòng Mẹ Về Trời quan tâm tới sự giáo dục, đặc biệt về đức tin, trên « tất cả các phương diện » (LT) : trường học, truyền thông, báo chí, hành hương, đào tạo giáo dân… Dòng còn quan tâm tới việc khuyến khích và nâng đỡ ơn gọi giới trẻ, mục vụ giáo xứ…Với ý thức rằng « thế giới, ngay cả những lúc suy thoái, được dẫn lối bởi những ý tưởng », « các tu sĩ dòng Mẹ Về Trời sẽ phải là những người gieo ý tưởng, nhưng là những ý tưởng đúng đắn, có ích cho Giáo hội và xã hội»(LT).
Xã hội : trong ý tưởng « xây dựng một xã hội công bình và bác ái hơn », các tu sĩ dòng Mẹ Về Trời dấn thân trong các hoạt động quần chúng nhân dân và đặc biệt cho những người nghèo. Sự dấn thân này được thể hiện dưới ba hình thức : hiện diện với họ, cộng tác với họ và làm việc cho họ. Sự dấn thân của các tu sĩ dòng Mẹ Về Trời nhằm mục đích thăng tiến đời sống con người về vật chất cũng như tinh thần, về ý thức xă hội cũng như nếp sống văn minh dưới ánh sáng của Tin Mừng.
Đại kết : kế thừa tư tưởng của đấng sáng lập, dòng Mẹ Về Trời, ngay từ những ngày thành lập, luôn thao thức động cho sự hiệp nhất Giáo Hội. Dẫu rằng phương pháp hoạt động có khác nhau tùy theo thời gian và bối cảnh lịch sử, nhưng mục đích luôn luôn là « đại kết ».Tức là hoạt động nối kết các tôn giáo có cùng một niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Dòng còn quan tâm tới « sự đối thoại liên tôn » với xác tín rằng: Thiên Chúa cũng mạc khải chân lý của Ngài trong các tôn giáo khác (CV2)
Trong tính kế thừa và sáng tạo, anh em dòng Mẹ Về Trời cố gắng hoạch định ra những chương trình hành động đáp ứng những nhu cầu thiết thực của Giáo Hội và xã hội trong mỗi thời đại khác nhau. Hai trong các hoạt động điển hình là truyền thông báo chí và hành hương.
Ngay từ thời gian đầu, các đấng sáng lập đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của một tờ báo dành cho người tín hữu. Tờ báo sẽ là nhịp cầu nối kết những người có niềm tin với nhau và với Giáo Hội ; là phương tiện hữu hiệu và quần chúng để trao đổi thông tin và học hỏi lẫn nhau. Các đấng sáng lập cũng nhận thấy vai trò quan trọng của báo chí về mặt chính trị, xã hội và niềm tin Tôn giáo thời bấy giờ « đấu tranh bằng ngòi bút » (LT). Đó cũng là ý tưởng cho sự ra đời nhà xuất bản lớn Bayard, và tờ nhật báo « la croix » ngày nay tại Pháp.
Cùng với báo chí, Dòng đã sớm tổ chức những cuộc hành hương lớn cho những người Công Giáo Pháp ngay từ những năm đầu thành lập : Salette, Rôma, Lộ Đức, đất Thánh,…Ngày nay, chương trình hành hương của Dòng luôn được duy trì, đổi mới và phát triển, nổi bật nhất là cuộc hành hương quốc tế hằng năm tại Lộ Đức vào dịp lễ Mẹ Về Trời.

Cộng tác với giáo dân

Không chỉ về đời sống thiêng liêng, những người giáo dân muốn sống tinh thần của Dòng còn có thể dấn thân vào các hoạt động, tổ chức và tu nghị của Dòng như một “thành viên” thông qua chương trình “giao kết”. Đó cũng là một trong những đặc tính của Dòng Mẹ Về Trời. Điều này cũng thể hiện thiện chí của Dòng muốn « cùng nhau làm cho nước Chúa trị đến ».

Đại gia đình dòng Mẹ Về Trời

Giống như những dòng sông được tạo thành và tuôn ra từ một nguồn mạch duy nhất-tình yêu Thiên Chúa. Đó là hình ảnh đại gia đình dòng Mẹ Về Trời theo cách nói của cha E. d’Alzon. Trong số 12 nhánh dòng, ngoài Augustinô-Mẹ Về Trời, bốn nhánh khác cần được nhắc tới:
-          Nữ Tu Mẹ Về Trời (R.A) “thờ phượng Thiên Chúa và giáo dục”
-          Nữ tu Tận Hiến - Mẹ Về Trời (O.A): truyền giáo, đại kết, phục vụ người nghèo.
-          Nữ Tu Hèn Mọn - Mẹ Về Trời (PSA): “làm vinh danh Thiên Chúa nơi những người nghèo và bé mọn”.
-          Orantes - Mẹ Về Trời (Or.A): chiêm niệm trong hoạt động và truyền giáo.
-          Cùng với Augustinô- Mẹ Về Trời, bốn nhánh dòng trên tạo thành một “bàn tay năm ngón” hoạt động cho “nước Chúa hiện trị trong chúng ta và xung quanh chúng ta”(TL).

Trong sự khiêm nhường và bác ái, nhiệt thành và quảng đại, trong sự dũng cảm và cố gắng nhạy bén với những nhu cầu của Giáo Hội và xã hội, anh em Dòng Mẹ Về Trời dấn thân trong xã hội để bảo vệ quyền lợi của Thiên Chúa và bảo vệ quyền lợi của con người theo tinh thần của Phúc Âm. Điều mà luật dòng đã nhấn mạnh « Tinh thần của Vị Sáng Lập thúc đẩy chúng ta mang lấy những trăn trở lớn lao của Thiên Chúa và của con người, thúc đẩy chúng ta hiện diện nơi đâu Thiên Chúa đang bị đe dọa trong (bị xua đuổi khỏi) con người, và nơi đâu con người được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa đang bị đe dọa.» (TL1,4).

Ghi chú :
TL : tu luật dòng
LT : sách linh thao của cha E.d’Alzon
CV : công đồng Vatican II

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Câu Chuyện Về Hòn Sỏi

Có một lần, lâu lắm rồi, tôi đọc được một câu chuyện đơn giản mà giàu triết lý sống, đó là câu chuyện về hòn sỏi. Tôi xin kể lại đây lời tự thuật của hòn sỏi với các chi tiết tôi còn nhớ được. Hòn sỏi kể về chuyến đi đầy cam go của mình như sau:

“Tôi vốn xuất thân từ một tảng đá khổng lồ trên núi cao. Tôi nằm đó, trải qua sương gió, nắng mưa trong bao năm tháng dài đăng đẳng. Sau một thời gian, nắng, nóng, mưa và lạnh làm cho người tôi đầy vết nứt. Tôi vỡ ra thành từng mảnh nhỏ, góc cạnh lởm chởm và lăn xuống núi, mưa bão và nước lũ cuốn tôi qua các dòng sông suối rồi xuôi về biển. Do liên tục bị va đập, lăn lộn trên đường ra biển, tôi bị thương tích đầy mình. Mỗi lần bị va đập, những góc cạnh của tôi đau đớn vô cùng nhưng rồi chúng cũng bớt xù xì lởm chởm mà tròn dần trên chặng đường tôi đi. Và chính những dòng nước cuốn tôi đã xoa dịu và làm lành những vết thương của tôi. Cùng với đớn đau, tôi học được nhiều bài học quý báu và cuối cùng, tôi trở thành một hòn sỏi láng mịn như bây giờ.”
Lời trần thuật của người nào đó gán cho hòn sỏi làm tôi liên tưởng đến quá trình hình thành ngọc trai tự nhiên. Thành phần ngọc trai tự nhiên chủ yếu là xà cừ. Người ta cho rằng ngọc trai được tạo ra khi có một vật lạ nhỏ hoặc hạt cát chui vào bên trong con trai biển và nằm luôn trong đó. Bị kích thích bởi vật lạ này, con trai tiết ra một chất dịch bao bọc dị vật. Đây là cách phản ứng để tự chữa lành các vết thương của loài nhuyễn thể này. Quá trình này lặp đi lặp lại nhiều năm và chất tiết ra đó tạo nên một lớp xà cừ bao bọc lấy hạt cát hay dị vật xâm nhập mà tạo thành viên ngọc đẹp, quý và có giá trị.
Bạn nghĩ gì về những chi tiết trong câu chuyện hòn sỏi và ngọc trai? Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi những những va đập đầy biến động. Liệu chúng ta có sẵn lòng ôm ấp những đớn đau và học cách vươn lên trên nỗi đau, để rồi một ngày nào đó chúng ta cũng có thể tạo ra những “hòn sỏi mịn màng hay “viên ngọc trai lấp lánh”? Là con người, không ai được ban tặng một cuộc đời như ý với mọi thứ đều hoàn hảo. Cuộc sống là một quá trình tự mình làm nên với nhiều thử thách cam go. Chúng ta có đủ can đảm để trải qua cuộc hành trình gian khó như hòn sỏi đã trải qua? Liệu chúng ta có đủ bản lĩnh như con trai biển, trong dòng lệ đớn đau với dị vật xâm nhập, tạo nên được những viên ngọc trai lung linh màu sắc?
Đau đấy các bạn ạ, nhưng đủ sức chịu đựng và biết cách chuyển hóa nỗi khổ niềm đau là một nghệ thuật. Nếu như tảng đá vỡ không kiên trì chịu đựng đau thương để lăn tròn góc cạnh, sẽ không có những hòn sỏi tròn láng. Nếu những con trai không chịu đựng nổi sự đớn đau của hạt cát hay dị vật nào đó chui vào bên trong vỏ của mình và có cách phản ứng tự vệ, loài nhuyễn thể có tên gọi là ‘trai’ ấy sẽ không tạo được những viên ngọc lung linh sắc màu. Đã bao giờ bạn thấy được rằng chính những chông gai mới mang lại những bài học quý và để lại những ấn tượng đẹp, dù rằng trong quá trình này, cần nhiều nỗ lực để ôm ấp và chuyển hóa? Đã bao giờ bạn sử dụng chất liệu đau thương để tạo cho mình những hạt ngọc trai kỳ diệu chưa?
Cuộc sống vốn có chu kỳ vận hành riêng mà chúng ta quen ví như là quy luật hình ‘sin’, hết thăng đến trầm, hết trầm lại thăng như sóng biển nhấp nhô. Ta không thể nào thay đổi cuộc sống; việc chúng ta có thể và nên làm là thay đổi thái độ về cuộc sống. Có thể là bạn, có thể là tôi, cuộc sống chẳng bao giờ chỉ mang đến toàn là hạnh phúc. Cuộc sống cũng không bất công đến nỗi chỉ đem đến cho ai toàn niềm đau. Đừng bao giờ nghĩ rằng con đường ta đi chỉ có cỏ gai rác rưởi hay đầy hoa thơm trái ngọt. Nhìn bầu trời, bạn sẽ thấy, trời lúc nào cũng có mây. Áng mây bay qua, cứ để nó bay qua, trời xanh vẫn cứ trong sáng đó thôi. Cuộc đời không quá giản đơn là một mặt phẳng hoặc trắng hoặc đen. Điều quan trọng là biết cách phát huy nội lực mình có được để tự nâng mình vượt lên những nỗi đau, những va đập của cuộc sống để tự hoàn thiện bản thân. Đây là một kỹ năng sống. Trong mọi hoàn cảnh, sống hết mình trong hiện tại với niềm tin trọn vẹn vào chính bản thân mình, hướng về tương lai, tin vào ngày mai tươi đẹp, chúng ta sẽ có một cuộc sống ý nghĩa.
Cuộc sống là tập hợp của vô vàn những điều biến động. Vì vậy, trong mọi cảnh ngộ, chúng ta cần nhớ cuộc hành trình của hòn sỏi và sự hình thành hạt ngọc trai để sống tự tin hơn, để học cách xoa dịu và làm lành những vết thương, thăng hoa trong cuộc sống. Sự va đập của cuộc sống chẳng có gì đáng sợ đâu bạn ạ. Đừng bao giờ nghĩ mình quỵ ngã. Dù có lúc tưởng chừng mất tất cả, ta vẫn còn có niềm tin, nghị lực và cả bài học quý giá từ cái ‘mất tất cả’ đó mà. Nếu biết cách, chính những lúc chưa thành công hay thiếu may mắn ấy là những ‘thành phần’ của liều thuốc chủng ngừa cho cuộc sống mỗi người. Sự trải nghiệm bản thân là bài học sinh động nhất. Một khi chúng ta học được cách chấp nhận đớn đau trong quá trình chuyển hóa những góc cạnh xù xì, chúng ta sẽ trở thành những hòn sỏi láng mịn. Khi nào chúng ta có đủ sức ôm ấp và chuyển hóa những đau thương trong nước mắt, chúng ta có thể tạo nên những hạt ngọc trai quý giá cho đời.

Hằng Như

Đạo Nhu của Chúa Giêsu trong cái nhìn Triết Đông

Khi chúng ta càng tiến gần đến đỉnh cao của nhiệm cục cứu độ – cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá trong Tuần Thánh – chúng ta sẽ càng thấy rõ nét hơn con người của Chúa Giêsu – một con người đầy chất nhu hiền, hiền như cừu non ngoan ngùy im lặng cho người ta xén lông: “tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, chẳng tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi” (Is 50, 4-7).

Tìm hiểu các vị sáng lập trong các tôn giáo lớn hay các vị sáng lập Dòng, các vị thánh, tôi nhận thấy trong các vị ấy đều có chất nhu hiền, hay nói theo ngôn ngữ của nền triết học Đông Phương, đó là, các vị mang tính âm (học thuyết âm dương). Thật vậy, trong vũ trụ vạn vật, tất cả mọi sự đều có hai mặt đối lập nhưng tương tác nương trợ nhau để sinh ra sự sống. Âm bao gồm tất cả những gì là nhẹ nhàng, mềm dịu, bóng tối, bên dưới, chất lỏng, mát lạnh, bên phải, phía trong… Dương bao gồm tất cả những gì là nhanh nhẹn, cứng rắn, ánh sáng, bên trên, chất rắn, nóng ấm, bên trái, phía ngoài… Vì thế, chúng ta thấy có mặt trời thì ắt phải có mặt trăng, có trời thì cũng phải có đất, có mưa thì phải có nắng, có nam thì ắt phải có nữ, có tay phải thì có tay trái… Vũ trụ vạn thể để sinh tồn và phát triển cũng cần phải tuân theo quy luật âm dương như thế. Đó là thuyết âm dương trong Kinh Dịch. Để cho có sự hài hòa và phát triển thì âm dương phải điều hòa: Nhất Âm nhất Dương chi vị Đạo (Hệ Từ Thượng, ch.V). Chữ Đạo ở đây mang nghĩa rất rộng, vốn xuất phát từ Trung Hoa cổ đại (Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi…), hầu hướng dẫn và dạy dỗ con người hướng đến một cuộc sống vẹn toàn và hạnh phúc đích thật. Chữ Đạo là một từ diễn tả sự vẹn toàn trên tất cả bình diện trong cuộc sống, như vật chất, tinh thần, siêu hình, luân lý, tâm linh… Theo Hán ngữ, Đạo là Con Đường như là phương tiện hướng đến mục đích, Con Đường của chân, thiện và mỹ, Con Đường dẫn đưa con người đến hạnh phúc và bình an. Nhưng theo Đạo Đức Kinh, Đạo là gì đó mà không thể diễn tả trọn vẹn bằng ngôn ngữ loài người được: “Đạo khả đạo phi thường Đạo (ĐĐK, Thượng Kinh, ch.I)” (Đạo mà diễn tả được thì không còn là Đạo nữa). “Đạo” ở đây là Nguyên Lý tối hậu, Chân Lý tận cùng của vũ trụ vạn thể – tương tự như “Không” của nhà Phật, hay Chúa của Thiên Chúa giáo. Đạo, trong Đạo Đức Kinh, là lối diễn tả tạm thời và hạn hẹp bằng cách vay mượn ngôn ngữ để nói về Chân Lý thẳm sâu và vô tận mà trí lực hạn hẹp của con người không thể thấu hiểu. 
Vâng. Có một nét độc đáo của Đạo mà Lão Tử muốn truyền lại cho hậu thế, đó là Đạo mang thuộc tính âm hơn là dương. Thế nhưng, tính âm ở đây không chỉ là tính âm theo như Kinh Dịch đã nói nhất âm nhất dương chi vi đạo, nhưng mà là vượt trên cả tính âm ấy nữa. Hay nói cho dễ hiểu, tuy là âm đó, nhưng thực sự nó là dương vậy. Như vậy, tưởng rằng nó là âm, nhưng thực ra chính là dương được thăng hoa, được chuyển hóa ở tầm mức cao hơn: “Nhu thắng cương, nhược thắng cường (ĐĐK, c. 78)” (Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh).
Trong bài giảng Hiến Chương Nước Trời (Bài Giảng trên núi) về các mối phúc (theo thánh sử Mathêu hoặc kể cả Luca), hoặc câu nói của Chúa Giêsu: “hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29), cũng như thái độ của Chúa Giêsu âm thầm 30 năm làm thợ mộc cho người cha nuôi và 3 năm còn lại đã rong ruổi không có nơi tựa đầu để rồi ngửa tay xin nước uống của người phụ nữ Samari, và nhiều chi tiết cho cuộc hành trình rao giảng của Ngài, cho đến ngày kết thúc kiếp phàm nhân trên cây gỗ chữ thập trong sự cô đơn, tủi nhục và câm nín… (Nếu theo Đạo Đức Kinh, Chúa Giêsu chính là Nhu Nhược. Nhưng thông thường, chữ nhu nhược vẫn bị hiểu sai ý nghĩa thực của nó) chúng ta thấy Chúa Giêsu sống mang tố chất âm nhiều hơn: nhu hiền, vâng phục, khiêm tốn, nhẫn nhục, chịu đựng, thất bại… Còn nếu là dương, thì Chúa Giêsu lẽ ra sẽ phải nóng nảy, trả đũa, la hét, chửi rủa, kiêu ngạo, tự mãn, nổi loạn, đấu tranh, chống đối, dữ dằn, háo thắng, háo chiến… Nhưng ngược lại, Ngài đưa má cho người ta giật râu, đưa mặt ra cho người ta cười nhạo, cho người ta gí bọt giấm vào miệng… Chúa Giêsu – Vua đất trời – đã thất bại đến là tội nghiệp! Đúng là một thất bại trên mọi thất bại của trần gian. Ngài đã thua đậm!
Ai cũng biết đến vị thánh hiền của Ấn Độ là Mahatma Gandi, vẫn còn đang sống mãi trong lòng dân tộc ông. Ngài đã sống nhân hiền và nghèo khó, ngài dùng bất bạo lực để thắng bạo lực, và đã ngã gục vì bạo lực trần gian! Vị thánh Francois de Sales, khi còn chưa ngộ đạo, rất nóng nảy và kiêu ngạo, nhưng chẳng bao lâu sau đó, ngài đã tuyên bố một câu đầy trải nghiệm: “Tất cả mọi sự trên cõi đời này sẽ bị khuất phục bởi sự diệu hiền chứ không phải bằng bạo lực”.
Ngắm nhìn xã hội ngày nay, nhất là những nước phát triển khoa học kỹ thuật tột bực, chúng ta lại chứng kiến già lẫn trẻ vội vã nhiều hơn, nóng nảy nhiều hơn. Xem ra đất nước nào càng phát triển, con người ở đó càng bị căng thẳng thần kinh và ít biết kiên nhẫn hơn. Cứ quan sát những nơi đợi chờ trong nhà thương, trạm xe buýt, những nơi xếp hàng tính tiền trong siêu thị, cửa hàng,… chúng ta nhận thấy hầu như khuôn mặt nào cũng thấp thỏm không yên, thậm chí có khi bắt gặp những thái độ gắt gỏng khó chịu khi bị xâm phạm chút quyền lợi. Đồng hồ càng được chế tạo cao cấp bao nhiêu thì ra như con người lại không có đủ thời gian, nên cứ thế tất bật cho đến hoảng loạn. Khi xưa sử dụng đồng hồ cát, con người thật sự đến là thong dong và vui hưởng cuộc sống an nhàn! Con người bây giờ đang sợ hít thở bầu khí vì lỗ hổng tầng ozone do chất thải công nghiệp và máy móc hiện đại, bầu khí cả trong và ngoài ngôi nhà mình, sợ những thực phẩm và thức uống vì bao nhiêu hóa học đang tác động… Thời đại này là thời đại dành cho tầng lớp chiến thắng và có máu mặt: thương gia, đại gia, sinh viên giỏi, nhân viên có tay nghề cao, các nhà lãnh đạo xuất sắc hoặc giàu có… Xã hội hôm nay đang ở trong thời đại tuyển lựa và loại trừ trên mọi bình diện. Thậm chí, trong môi trường tôn giáo, các ứng sinh cho các chức vị như linh mục, giám mục, hồng y, tổng trưởng bộ… cũng ở trong guồng máy của xã hội như thế, nhưng có phần tinh vi và khôn khéo hơn.
Khi mà thế giới càng ngày càng trở thành một bộ máy tuyển chọn và đào thải – Tuyển chọn cái tốt nhất, đẹp nhất, và đào thải cái kém cỏi, cái xấu xí – thì những cái xấu, cái dở sẽ càng không còn chỗ đứng nơi thế giới ấy nữa. Dẫn chứng rõ nhất là sinh sản vô tính (phương pháp cloning: cấy tế bào nguyên thủy chưa phân hóa), với hy vọng là trong tương lai thế giới này sẽ là thế giới của những con người ưu tuyển!
Khi thế giới mỗi lúc đi trên con đường mang tố chất dương, như thể hiện, trình diễn, chiến thắng, danh vọng, giàu có, trọng bề ngoài, tài trí, nhanh nhẹn, hiệu quả… thì thế giới sẽ ngày càng xa tố chất âm, đó là thuộc tính của Đạo. Khi đã xa Đạo, con người sẽ đi đến tình trạng bị hủy hoại, một sự hủy hoại tận bên trong, tận cốt lõi của nhân loại nói chung, và của tâm hồn của mỗi người nói riêng. Chính đám đông trải thảm cho Vua Giêsu và tung hô: “Vạn tuế, vạn tuế Đức Vua Đavit!” thì sau đó chưa đầy một tuần, cũng là đám đông ấy gào thét kết án: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Kẻ xa Đạo thì đông hơn người theo Đạo. Thế giới mang tố chất dương thật hấp dẫn! Vì thế giới này hứa hẹn nhiều phần thưởng, nhưng phần thưởng đó chỉ là quả bóng xà phòng được thổi phồng lên, được phản chiếu từ ánh sáng mặt trời cho người ta thấy nhiều màu sắc lấp lánh, rồi ngay sau đó vỡ toang một cách chưng hửng! Chúa Giêsu đã khước từ ba sự cám dỗ rất hấp dẫn của Satan khi Ngài đang ăn chay cầu nguyện trên núi.
Hãy chiêm ngắm từng hành vi của thầy Giêsu, Con Thiên Chúa, khiêm cung cởi áo choàng, thắt dây lưng, cúi xuống, rửa chân cho từng đồ đệ nghèo hèn của mình. Thầy Giêsu – Thiên Tử – chỉ vỏn vẹn có 12 đồ đệ, nhưng lại là đồ đệ nhát đảm, đầy những giới hạn và hám danh lợi vật chất.
…Hãy chiêm ngắm Vua vũ trụ bị lôi ra như tên tử tội trước tổng trấn Philatô, Ngài đã im lặng cách ngoan ngùy trước những câu tra vấn của y cũng như tiếng giận dữ của dân chúng.
…Hãy chiêm ngắm thập giá gỗ quá nặng với sức của con người Giêsu mà Ngài phải tự kéo lê lết lên đồi Calvê, sau 40 ngày chay tịnh.
…Sau cùng, hãy lắng nghe 7 lời sau cùng của Người Con Chí Ái trên thánh giá…
Từng cử chỉ, thái độ, lời nói, việc làm của thầy Giêsu chất chứa đầy tràn âm tính, và đây, cũng chính là chất tình chất yêu vậy.
Vâng! “Đây là cây gỗ giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian, chúng ta hãy đến thờ lạy.”
LM Trầm Ly

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Dễ và Khó




Dễ là khi bạn có một chỗ trong sổ địa chỉ của một người, nhưng khó là khi bạn tìm được một chỗ trong trái tim của người đó.
Dễ là khi đánh giá lỗi lầm của người khác, nhưng khó là khi nhận ra sai lầm của chính mình.
Dễ là khi nói mà không suy nghĩ, nhưng khó là khi biết kiểm soát những lời nói của mình.
Dễ là khi làm tổn thương một người mà bạn yêu thương, nhưng khó là khi hàn gắn vết thương đó.
Dễ là khi tha thứ cho người khác, nhưng khó là khi làm cho người khác tha thứ cho mình.
Dễ là khi đặt ra các nguyên tắc, nhưng khó là khi làm theo chúng.
Dễ là khi nằm mơ hàng đêm, nhưng khó là khi chiến đấu vì một ước mơ.
Dễ là khi thể hiện chiến thắng, nhưng khó là khi nhìn nhận một thất bại.
Dễ là khi vấp phải một hòn đá và ngã, nhưng khó là khi đứng dậy và đi tiếp.
Dễ là khi hứa một điều với ai đó, nhưng khó là khi hoàn thành lời hứa đó.
Dễ là khi chúng ta nói rằng chúng ta yêu thương, nhưng khó là khi làm cho người khác cảm thấy như thế hàng ngày.
Dễ là khi phê bình người khác, nhưng khó là khi cải thiện chính bản thân mình.
Dễ là khi để xảy ra sai lầm, nhưng khó là khi học từ những sai lầm đó.
Dễ là khi buồn bực vì một điều gì đó mất đi, nhưng khó là khi quan tâm đủ đến điều đó để đừng làm mất.
Dễ là khi nghĩ về một việc, nhưng khó là khi ngừng suy nghĩ và bắt đầu hành động.
Dễ là khi nghĩ xấu về người khác, nhưng khó là khi cho họ niềm tin.
Dễ là khi nhận, nhưng khó là khi cho.
Dễ là khi đọc những điều này, nhưng khó là khi bạn thực hiện nó.
Nếu cơ hội mãi không gõ cửa, bạn phải xem mình đã xây một cánh cửa chưa đã...