Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Bạn hiểu gì về triết học?

Nhiều người lầm tưởng, triết học có thể biến mình trở nên thông thái và do đó, những gì mình suy tưởng bằng con đường triết lý đều là chân lý. Từ quan niệm như vậy, vô hình chung họ đã muốn sở hữu thứ triết lý trong tư duy thuần lý và tạo ảnh hưởng không nhỏ cho người khác hiểu sai về triết học. Vậy thực chất triết học là gì?

“Triết học bắt đầu từ chỗ ngạc nhiên”[1]. Lời khẳng định đó của Platon cho phép chúng ta hiểu rằng: triết học không dành cho riêng ai, mà dành cho mọi người. Mặc dù trong cuộc sống, phần lớn thời gian được dành cho những công việc thường nhật, nhưng đôi lúc chúng ta cũng quay trở lại để tự vấn về những vấn đề muôn thuở: “Cuộc sống này có ý nghĩa gì không, hay tôi chỉ là một sản phẩm của vụ Big Bang nào đó xảy ra cách đây chừng 15 tỷ năm? Tôi có hoàn toàn trở về hư vô sau khi chết, hay biết đâu tôi có một linh hồn bất tử? Có Thượng đế không, hay Ngài chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng? Phải chăng có thiện – ác, lành – dữ.. trên đời này, hay luân lý chỉ đơn thuần là những vấn đề phong tục, tập quán xã hội hoặc quan niệm cá nhân nào đó?” .
Để giải đáp những vấn nạn trên, người Hy Lạp cổ đại đã dùng từ Φιλοσοφία (philosophía) để diễn tả. Theo sát nghĩa, philia – lòng yêu mến và sophia – sự khôn ngoan. Qua từ khôn ngoan, người Hy Lạp có ý nói đến sự hiểu biết sâu xa về sự vật, chứ không phải là một kiến thức về các sự kiện liên quan đến sự vật. Loại hiểu biết này không dễ gì đạt tới và chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy những giải đáp hoàn hảo cho những vấn đề cơ bản của cuộc đời. Tuy nhiên, để trở thành triết gia, chúng ta không cần tìm đến những đáp án hoàn hảo ấy, mà chỉ cần nghiêm túc đi tìm chúng. Đó là lý do tại sao người Hy Lạp gọi triết học là lòng yêu mến sự khôn ngoan hơn là chính sự khôn ngoan.
Cùng với sự phát triển của lịch sử, triết học cũng có nhiều quan điểm khác nhau về chính nó. Quan điểm cổ điển thì cho rằng: Triết học là một hệ thống những nhận thức của con người nhằm giải thích mọi sự bởi các nguyên nhân căn bản của chúng.
Quan điểm Marxis cho rằng: Triết học là một ngành khoa học nghiên cứu về những qui luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy.
Quan điểm hiện đại thì cho rằng: triết học là một nỗ lực tư duy của con người để tìm hiểu chính mình và vị trí của chính mình trong vũ trụ; là khoa học hữu thể xét như là hữu thể; là khoa học dạy con người biết sống và biết chết cho xứng đáng; là tri thức trên hết các tri thức và hướng dẫn các tri thức; là tri thức tổng quát, tức phương pháp luận về các khoa học thực nghiệm.. . Còn theo Karl Jaspers: “... không một định nghĩa nào có thể lột tả hết được ý nghĩa của triết học và không câu định nghĩa nào có thể được coi mình là duy nhất.... chỉ có kinh nghiệm bản thân mới giúp ta nhận biết được những gì là triết lý trong vũ trụ”[2] .
Khi nói rằng, không thể có một định nghĩa thỏa đáng về triết học, chúng ta không có ý nói triết học không thể định nghĩa, mà bản thân nó được hiểu như một sự tìm kiếm những hiểu biết thuần lý thuộc loại nền tảng nhất, nên nó nêu lên những câu hỏi quan trọng về bản chất của sự hiểu biết và từ đó, bản chất của chính sự tìm kiếm và tri thức .
Một cách nào đó, tất cả chúng ta đều là tiềm thể những triết gia vì ai nấy đều đi tìm sự khôn ngoan. Aristotle đã sớm nhận ra điều đó khi ông quan niệm: “Con người tự bản chất, khao khát hiểu biết”[3]. Cho nên, triết học hệ tại công việc suy tư triết lý hơn là những lý thuyết do những suy tư của chúng đẻ ra. Nhưng nếu chúng ta không tìm ra những giải đáp trọn hảo cho những vấn nạn trên, thì tại sao lại phải suy tư triết lý? Chẳng thà chúng ta dành tâm lực vào nghiên cứu những vấn đề thực tiễn lại không có ý nghĩa hơn đi tìm sự khôn ngoan mà chúng ta không thể đạt tới? M. Heidegger – triết gia người Đức thế kỷ XX đã trả lời rằng: “Vấn đề không phải là bạn có thể làm gì với triết học, mà triết học có thể làm gì với bạn”[4] . Xuất phát từ luận điểm đó, người làm công tác về triết học không chỉ dừng lại ở việc thủ đắc những tri thức mới mẻ, nhưng gợi lên trong mình niềm đam mê trở thành triết nhân, đem áp dụng những suy tư vào chính cuộc sống. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường Đại học có dạy triết học ở Việt Nam, người dạy chỉ đơn thuần là truyền thụ mớ kiến thức triết lý cho học viên mà ít khi quan tâm đến khía cạnh đam mê thực hành tri thức ấy. Chính thái độ đó đã tạo nên những hiểu lầm đáng tiếc: triết học chỉ là một thứ lý luận xa rời thức tiễn. Vì vậy những triết gia tiềm tàng cần thiết phải tạo cho mình một khao khát trở thành triết nhân để từ đó hướng tới thánh nhân theo đúng nghĩa của từ đó.
Như vậy, với sự phong phú và phức tạp của mình, triết học xứng đáng là một trong những giá trị đặc sắc nhất mà nền văn minh đã tạo ra. Và như mọi lĩnh vực khác, tương lai của nó chắc chắn sẽ phong phú hơn quá khứ của nó.
 
 G.B. Nguyễn Văn Chiến
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1.            Mariano Artigas, Triết học nhập môn, Nxb Tala, Singag. 1990.
2.            Trần Thái Đỉnh, Triết học nhập môn, Nxb Ra khơi, Sài Gòn, 1968
3.            Trần Minh Huy, Tiếp cận triết lý, Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, 2005.
4.            Bryan Magee, Câu chuyện Triết học, Nxb Thống kê Tp Hồ Chí Minh, 2004.
5.            S. E. Stumpf và D. C. Abel, Nhập môn triết học Phương Tây, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 2004.


[1] Bryan Magee, Câu chuyện Triết học, Nxb Thống kê Tp Hồ Chí Minh, 2004, trang 8
[2] Trần Thái Đỉnh, Triết học nhập môn, Nxb Ra Khơi, Sài Gòn, 1968, trang 22
[3] Bryan Magee, Câu chuyện Triết học, Nxb Thống kê Tp Hồ Chí Minh, 2004, trang 7
[4] S.E. Stumpf và D.C Abel, Nhập môn triết học phương Tây, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 2004, trang 6
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét