Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

TRIẾT HỌC THẬT ĐƠN GIẢN!

Cuộc sống muôn màu luôn làm người ta không nhận ra đâu thật, đâu giả? Từ đó không nhận ra được ai say, ai tỉnh. Đó là vấn đề mà triết học sẽ giúp cho con người luôn bình tỉnh, tự tin để sống bình thản trong mọi tình huống. Nhưng không phải ai cũng có thể tiêu hóa được triết học một cách nhẹ nhàng. Vì các thuật ngữ triết học bị các nhà tư tưởng làm điên con chữ và mù nghĩa cho đại chúng. Nên bài viết này cố gắng làm bình dân hóa ngôn ngữ "hàn lâm" của triết.

Cái gì cũng vậy, khi muốn hiểu nó, việc đầu tiên và duy nhất là phải hiểu khái niệm, định nghĩa của nó một cách tường tận. Việc này sẽ giúp ta được nhiều việc có ích không ngờ mà ta không thể tưởng tượng ra. Ví dụ, để biết cái bất thường, tìm ra cái phát minh mới thì phải hiểu cái bình thường, cái định nghĩa cơ bản của một sự vật hiện tượng, thì mới thấy được cái ý tưởng mới để mà nghiên cứu, tìm tòi.

Như vậy để hiểu triết học là gì ta phải hiểu định nghĩa của triết học nó ra sao? Trước hết chúng ta phải có định nghĩa của nó. Cho đến bây giờ mọi sách vở đều đồng ý với định nghĩa đầy đủ và xúc tích nhất như sau:

Triết học là một bộ môn chung nhất. Nó nghiên cứu về sự vật và hiện tượng của khoa học tự nhiên và xã hội, để tìm ra các quy luật của đối tượng nghiên cứu.

Khi đã nói đến nghiên cứu thì, phải nói đến mục đích của nghiên cứu. Và mục đích của triết học là giải quyết các vấn đề cơ bản của bản thể luận và nhận thức luận của sự vật và hiện tượng mà chúng ta đang muốn tìm tòi nghiên cứu.

Như định nghĩa trên, nó có thể chia làm 2 phần: thứ nhất là nó là bộ môn chung nhất. Nhưng mà chung nhất cái gì? Theo hiểu biết của tôi, nó cho ta sự chung nhất trong phương pháp luận để nghiên cứu. Và phương pháp luận đó là: từ ghi nhận các sự vật hiện tượng một cách trung thực, khách quan để đưa vào nghiên cứu bằng trí não gọi là tư duy trừu tượng để đúc kết thành qui luật của sự vật hiện tượng. Sau khi có quy luật rồi đem ra chứng nghiệm lại thực tế cuộc sống để đi đến kết luận khách quan. Đó là con đường đi đến một kết quả khoa học khách quan về sự vật hiện tượng mà ta muốn nghiên cứu.

Thứ hai của định nghĩa là, nó nghiên cứu về cả khoa học tự nhiên (toán, lý, hóa, sinh, sinh lý, sinh hóa, v.v...) và khoa học xã hội (giáo dục, tâm lý, kinh tế, chính trị, văn hóa, quản trị kinh doanh, etc...) để tìm ra các quy luật của các khoa học này.

Ta lại tìm hiểu thêm mục đích của triết học lại có 2 khái niệm rất mù mờ. Thứ nhất là, bản thể luận của sự vật hiện tượng. Theo hiểu biết của tôi thì, bản thể luận của sự vật hiện tượng là cái mà còn chưa biết mà ta muốn nghiên cứu nó như thế nào về mặt bản chất. Ví dụ, hiện tượng xã hội gần đây bùng lên chuyện tin vào tâm linh, bói toán thì bản chất của nó là gì?

Vấn đề thứ hai của mục đích triết học là nhận thức luận của sự vật hiện tượng. Theo hiểu biết của tôi thì, nhận thức luận của sự vật hiện tượng là phương án giải quyết cho bản thể luận của sự vật hiện tượng. Tức là phương án giải quyết cho bản chất của vấn đề mà ta còn đang chưa hiểu mà ta phải nghiên cứu nó để hiểu. Sau khi nghiên cứu và hiểu bản chất của nó rồi, thì ta đưa ra phương án để giải quyết nó phù hợp nhất. Đó là nhận thức luận của sự vật hiện tượng.

Ví dụ như, hiện tượng xã hội gần đây bùng phát chuyện dân chúng tin vào tâm linh, cầu hồn, cầu siêu có bản chất là người dân mất lòng tin vào cuộc sống. Thế thì nhận thức luận của việc này là phải làm sao đưa ra phương án để cho người dân có lại lòng tin vào cuộc sống.

Tất cả mọi việc của triết học chỉ có vậy. Và thông qua đó, các nhà tư tưởng đã đưa ra những trường phái triết học khác nhau. Mỗi trường phái có những khái niệm cơ bản khác nhau và những lĩnh vực cơ bản khác nhau để làm nền tảng cho kiến thức để giúp cho chúng ta sử dụng trong cuộc sống, học tập, nghiên cứu khoa học. Nhưng không có trường phái triết học nào là toàn bích, toàn mỹ hay hoàn hảo. Mà mỗi trường phái có ưu điểm và khuyết điểm khác nhau.

Ví dụ, trường phái duy vật luận thuần duy lý và chính xác nên nếu áp dụng vào khoa học tự nhiên sẽ rất tốt, nhưng khi áp dụng vào xã hội học sẽ thiếu tính nhân bản. Còn trường phái duy tâm siêu hình thì sẽ bổ sung cho duy vật về tính nhân bản. Nếu hiểu được như thế một cách đầy đủ, ta sẽ thấy có những hình thái chính trị đơn nguyên tả khuynh cực đoan là tại sao? Và tại sao có những hình thái chính trị đa nguyên hữu khuynh ôn hòa và cực đoan.

Triết học chỉ có vậy. Nó thật đơn giản phải không? Hãy hiểu nó thật bình dân như ta thấy sự việc xảy ra, ta suy nghĩ tại sao nó có, và nó có để làm gì? Ai hay cái gì làm cho nó có? Bản chất của nó là gì? Rồi ta đi tìm tính qui luật của nó. Sau đó ta trả lời câu hỏi để giải quyết nó ta phải làm sao? Đó là triết học đấy các bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét