Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Học thế nào để hiệu quả


Kỹ năng học hiệu quả là gì?
Hoàng Khánh Hòa, NCS tiến sĩ, Đại Học Missouri – Columbia, Mỹ
Em phải làm sao để tiếp thu bài học một cách hiệu quả?
Các em Thâm, Kypa, Truyên, Navi, Szun, Phơm, Milinh, THPT
Nguyễn Thị Minh Khai, Lưu Trú Buôn Hằng, Krông Păk , Đăklăk

study-hardVấn đề học hiệu quả vừa là vấn đề chung cho mọi người, vừa là vấn đề riêng cho mỗi môn học, lại vừa là vấn đề riêng cho cá tính của từng người. Chúng ta sẽ đi qua một số điểm căn bản, như là các đường chấm của một bản đồ, để giúp các bạn tự tìm cách học. Các điểm căn bản đó, được trình bảy dưới đây trong hai nhóm: các yếu tố chi phối cách học, và các cách học căn bản.
I. Các yếu tố chi phối cách học
Các phương pháp học thường thay đổi tùy theo:
- Môn học
- Trình độ
- Tuổi tác
- Cá tính mỗi người

1. Môn học
Toán thì phải thuộc và hiểu công thức. Luận văn thì cần nhiều trí tưởng tượng. Triết Tây thì đòi hỏi rất chặt chẽ về lý luận và ngôn ngữ. Triết Đông thì đòi hỏi quan sát đời sống. Tâm lý thì đòi hỏi quan sát và tìm hiểu tác phong con người. Vật lý thì cần thí nghiệm, quan sát và suy luận toán học. Nói tiếng Anh thì phải chú trọng vào thực tập nghe và nói thường xuyên. Viết tiếng Anh thì cần vững văn phạm. Luật thì giỏi lý luận và sáng tạo. Kinh tế thì nắm vững luật cung cầu và nhu cầu của con người. Thiền thì điểm chính là đầu óc ngơi nghỉ và trống rỗng…
Mỗi môn học đòi hỏi ta chú trọng vào một cách học nền tảng như thế, cho nên nếu ta học không đúng cách cho môn học đó thì không thể học được. Ví dụ: Toán, nếu ta chưa là toán học gia, thì không thể tưởng tượng ra công thức được, phải rành công thức cũ. Nhưng viết luận văn mà thiếu tưởng tượng thì viết rất tồi. Hoặc Thiền mà vận khí, luyện khí, mở luân xa lung tung, thì đầu óc không ngơi nghỉ trống rỗng và đó không phải là Thiền…
Cho nên hãy hỏi thầy những gì cần lưu ý trong một môn học nào đó.
2. Trình độ
Ở trình độ nhập môn, môn học nào cũng có công thức rõ ràng cho người học. Nhưng nhiều môn học, nhất là ở cấp đại học, đòi hỏi chúng ta phải giàu sáng tạo ở mức cao hơn một chút. Ví dụ: Kinh tế học nhập môn thì đại loại là cung cầu, một vài công thức kinh tế căn cản,một vài lý thuyết kinh tế vi mô (micro) và vĩ mô (macro) căn bản. Nhưng ở mức cao hơn, nhà kinh tế giỏi phải nắm vững văn hóa, cơ cấu và tình trạng xã hội, khí hậu, môi trường… để có thể làm những chính sách và dự án kinh tế chính xác.
3. Tuổi tác
Người lớn tuổi thích thật yên tĩnh để học. Người càng trẻ càng thích đông đúc ồn ào. Các bé vườn trẻ thì phải cùng chạy nhảy hay ngồi trên sàn với nhau, và cử động cả ngày. Các lớp lớn hơn thì từ từ bớt hoạt động và ngồi yên nhiều hơn trong lớp.
Người lớn tuổi hơn cũng có cách học nhanh hơn trẻ em. Như là nếu người lớn học toán thì có lẽ không phải học chậm như các em lớp một. Người lớn cũng có thể viết luận văn hay hơn những người trẻ hơn nếu thầy biết dạy—ví dụ, ra đề viết về cuộc tình không thể quên của mình, hay một cuộc chiến trong đời lính của mình… thì người lớn có thể viết rất hay ngay từ đầu.
4. Cá tính
Có người học sáng sớm tốt hơn là đêm khuya, có người thì ngược lại. Có người học thì phải ngồi một mình, có người thích ngồi chung với nhiều người. Có người học thì cần yên lặng hoàn toàn, có người thì thích có nhạc nhè nhẹ. Có người thích học trong thư viện hay ở nhà. Có người thích ra công viên hay bờ sông học…
Cho nên mỗi chúng ta cần tìm hai điểm chính để học: Thứ nhất, môn học đó đòi hỏi kỹ năng nào vào trình độ của ta, và cách học nào thì thích hợp với con người của ta nhất. Học như vậy thì dễ vào hơn.
II. Các cách học căn bản
Dù là môn học nào, thì nói chung là các cách học sau đây đều tốt:
1. Học ít nhất là 3 lần cho một bài
Đọc bài một lần trước khi thầy giảng bài đó.
Nghe thầy giảng bài đó trong lớp, và ghi nhanh những điểm thầy giảng.
Về nhà đọc lại bài đó và làm bài tập.
Lần đầu đọc bài trước khi thầy giảng để biết tổng quát về bài, và để biết chỗ nào mình không hiểu. Nhờ vậy mà khi nghe thầy giảng ta sẽ hiểu rõ hơn, và biết câu hỏi nào mà hỏi nếu chưa hiểu. Lần thứ 3 đọc lại bài cùng với các ghi chú lời thầy giảng, để ta có thể hiểu, thuộc và nhớ bài đó.
2. Nắm vững căn bản của môn học
Đa số các môn học được xây dựng như một bức tường, bài mới được xây dựng trên bài cũ, như những viên gạch cao được xây trên những viên gạch thấp. Nếu nền dưới thấp mà bị sụp, thì những viên gạch bên trên không thể đứng vững.
Toán chẳng hạn, nếu bạn không nắm thật vững các con toán lớp 10 thì không thể hiểu các con toán lớp 11 và 12. Do đó nếu bị mất căn bản thì phải tìm thầy, đi ngược lại các điều thấp hơn, để xem mình bắt đầu bị mất căn bản từ điểm nào, rồi bắt đầu học lại từ điểm đó, thì ta sẽ nắm lại được mọi căn bản cần thiết để tiếp tục.
Văn phạm tiếng Anh mà lùng bùng thì học lại từ đầu, tập trung vào các động từ, vì động từ là gốc của một câu.
Hay kinh tế học, căn bản là luật cung cầu, các yếu tố ảnh hưởng đến giá cả, và các mô hình cạnh tranh. Nếu thấy mình cứ lùng bùng với các phân tích kinh tế của các chuyên gia, thì đọc lại “Kinh tế học nhập môn” thật kỹ.
Thực sự là các cuốn nhập môn thường rất quan trọng. Kinh tế học nhập môn, Luật học nhập môn, Chính trị học nhập môn… đây thường là những cuốn sách sâu sắc nhất. Học trò nhập môn học nhưng không thể hiểu hết; người đã học lâu năm đọc lại mới nắm vững và hiểu rõ.
3. Nhớ tinh yếu của bài học
Một bài kinh tế học 30 trang có thể chỉ nói về một điểm: Khi cầu tăng và cung không tăng, thì giá cả sẽ tăng. Khi cung tăng mà cầu không tăng thì giá cả sẽ giảm.
Năm trang sách tiếng Anh có thể chỉ nói một điều: “Present perfect tense là chỉ hành động trong quá khứ nhưng kéo dài đến hiện tại hoặc hậu quả còn đến hiện tại”.
Nhớ tinh yếu thì bạn chỉ phải nhớ một câu, thay vì nhớ 20 trang. Nhớ tinh yếu bây giờ, mai mốt điền thêm chi tiết cũng không muộn.
4. Thực hành
Tất cả mọi môn học đều cần thực hành. Nếu học ở trường, đó là các bài tập cho sinh viên học sinh. Nhưng bên cạnh đó, nếu ta có thể mang điều gì ra thực hành trong đời sống bên ngoài thì ta sẽ rất giỏi môn đó.
Lập các clubs để thảo luận về các môn học.
Tham dự các buổi tranh luận với các bạn trong các clubs hay khi đi uống cà phê hàng ngày về những vấn đề chính trị, tâm lý, kinh tế, triết lý… của đất nước, là những môn mình đang học trong trường.
Viết bài về các môn mình đang học trên các blogs.
Làm các việc từ thiện ở nông thôn để thực hành kinh tế phát triển, phát triển cộng đồng, xã hội học, hay tâm lý học…
Xin làm intern (thực tập) tại các tổ chức nhà nước, kinh doanh, hay thiện nguyện.
Cách học hay nhất là dạy: dạy kèm những người kém hơn mình.
5. Học môn mình thích
Ở cấp trung học chúng ta không có nhiều cơ hội chọn lựa, vì các môn học đều được xem là môn căn bản làm người. Ở cấp đại học chúng ta chọn ngành học nên đa số là môn mình thích, thỉnh thoảng mới có vài môn “bị” học. Nếu các đại học ở Việt Nam đều chuyển sang hệ tín chỉ thì đại đa số các môn bạn học sẽ là môn bạn thích. Học môn mình thích thì học mau vô hơn.
Tất cả những điều ta nói trên đều đúng cho tất cả mọi môn học trong trường cũng như các môn học ngoài xã hội.
Tóm lại, để học được hiệu quả ta cần nắm vững những kỹ năng đòi hỏi cho môn học, lựa thời gian học và nơi học và cách học thích hợp với mình nhất, nắm vững căn bản của môn học, mỗi bài học ít nhất là 3 lần—trước khi, trong khi, và sau khi thầy giảng, nhớ tinh yếu của bài học, và thực hành thường xuyên.
Và học môn mình thích thì học dễ hơn rất nhiều.
Chúc các bạn một ngày học giỏi.
Mến,
Hoành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét