Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Đạo đức học của Plato và ảnh hưởng của nó trên các trường phái triết học

Học thuyết đạo đức của Plato đã chống lại học thuyết hoài nghi của các nhà ngụy biện, ông nêu lên khái niệm của Socrates “Tri thức là đức hạnh” và khai triển khái niệm này bằng cách thêm vào hai yếu tố chính đạo đức học cá nhân và xã hội : chúng ta sẽ lần lượt xem xét hai yếu tố này.
                                                                     
1.    Đạo đức học cá nhân

1.1  Plato nói về đạo đức học cá nhân trong ý tưởng về linh hồn
Plato mô tả linh hồn gồm có ba phần : lý trí, tinh thần và dục vọng[1]. Trước hết có sự ý thức về mục tiêu hay giá trị, đây là hành vi của lý trí. Kế đến có một lực thúc đẩy hành động, đó là tinh thần, ban đầu mang tính trung lập, nhưng rồi ngả theo đường hướng của lý trí. Sau cùng, có ham muốn về những điều của thân xác, đó là dục vọng. Như ông đã minh họa trong quyển Phaedrus như sau :  “Người đánh chiếc xe có hai con ngựa kéo, một con là ngựa tốt, không cần roi vọt gì cả. chỉ cần anh đánh xe nói và hướng dẫn là đi đúng đường. Còn con kia là ngựa xấu, ngang ngược và bất kham … dùng roi vọt cũng không trị nổi nó. Mặc dù anh đánh xe biết rõ mình phải đi đâu và con ngựa tốt đang chạy đúng đường, nhưng con ngựa xấu lồng lên và chạy loạn xạ, gây đủ thứ rắc rối cho con ngựa bạn và anh đánh xe. Cảnh hai con ngựa chạy theo hai hướng nghịch nhau và anh đánh xe thất vọng đứng nhìn vì con ngựa không nghe theo lệnh của anh, đánh động mạnh trí tưởng tượng của chúng ta, vì nó cho thấy rõ sự phá vỡ trật tự. Người đánh xe, vì là người cầm cương ngựa, có bổn phận, quyền và chức năng hướng dẫn điều khiển hai con ngựa. Cũng vậy, phần lý tính của linh hồn có quyền điều khiển phần tinh thần và phần dục vọng. Hiển nhiên anh đánh xe không thể đi đâu nếu không có hai con ngựa, vì vậy cả ba phải liên kết với nhau và làm việc chung với nhau để đạt các mục tiêu chung”[2]
Đối với Plato, đức hạnh bị trói buộc theo lý thuyết về bản chất tự nhiên của vũ trụ. Ông cho rằng, thế giới của nhận thức là điều hão huyền, biến đổi và phù du. Đây chính là cái ác. Một thế giới trần tục tinh khiết, những mẫu mực lý tưởng không thay đổi là một thế giới của cái thiện. Con người chỉ có thể hiểu được thế giới trần tục này thông qua sự nhận thức. Do đó, sự nhận thức là cái thiện hoàn hảo nhất đối với con người. Mục đích hay mục tiêu của cuộc sống là giải thoát linh hồn khỏi thể xác để có thể suy gẫm về ý tưởng của thế giới đích thực. Nhưng con người có thể sống một cuộc sống chính đáng, dù bị kiềm giữ trong thể xác và giữ nguyên những tàn dư vật chất thay đổi trên thế gian. Plato cho rằng, điều này có thể thực hiện được, miễn là phần lý trí của con người quyết định mọi hành động của họ. Con người gồm có ba phần. Sự thèm muốn của con người có liên quan đến chức năng và ham muốn của thể xác. Phần ý chí hoặc tinh thần được cho là do hành động, lòng can đảm và sự dũng cảm của con người. Lý trí được coi là phần cao cả nhất, tốt đẹp nhất của con người. Một người sống một cuộc sống tốt đẹp là khi lý trí quyết định sự mong muốn, nguyện vọng và sự thèm muốn của người đó, và kết quả là người đó trở thành một con người khôn ngoan, ôn hòa và dũng cảm. Do đó, một cuộc sống có lý trí là cái thiện cao cả nhất của con người, đó là một cuộc sống chú ý đến sự khôn ngoan, can đảm và biết làm chủ bản thân. Theo Plato, kiểu sống này sẽ là một cuộc sống hạnh phúc. Niềm hạnh phúc và cái thiện cùng đồng hành với nhau. Tuy nhiên, một người không nên đi tìm sự hưởng thụ vật chất giống như đích đến của cuộc đời. Sự khoái lạc chỉ có khi một người đã có được một đời sống tốt đẹp, một đời sống mà ở đó lý trí quyết định ý chí, nguyện vọng và sự thèm muốn của con người. 

1.2  Đức hạnh như là một chức năng của linh hồn
Lý tính và phi lý tính. Phi lý tính gồm hai phần : tinh thần và dục vọng. Phần lý tính được tạo dựng bởi Tạo Hóa – linh hồn của Vũ Trụ. Phi lý tính được tạo dựng bởi các thần linh. Phần phi lý tính là phần không hoàn hảo nó kéo linh hồn rơi xuống nhập vào một thân xác. Vì vậy linh hồn muốn tìm về chỗ cũ của nó, nó phải hướng thượng. Chính vì thế mà đạo đức học của Plato là đi từ trên xuống và mình phải bắt trước. Linh hồn có một bản chất bất trị và xấu nơi những thành phần phi lý tính của nó, nguyên nhân của cái ác đã tồn tại ngay từ tình trạng tiền hiện hữu của linh hồn.
Linh hồn là hoàn hảo theo bản tính. Khi linh hồn từ bỏ thế giới hình thức nhập vào thân xác, nó đi từ thế giới cái một sang thế giới cái nhiều. Linh hồn trôi dạt giữa biển cả rối rắm của muôn vàn sự vật và chịu tác động của mọi thứ sai lạc do bản chất lừa dối của các sự vật. Trong thân xác, linh hồn cảm nghiệm cảm giác ham muốn, lạc thú, đau đớn cũng như sợ hãi và tức giận. Linh hồn cũng cảm nhận được sự yêu thích với một loạt những sự vật đa dạng từ miếng ăn đơn sơ nhất đến nếm cảm sự ngọt ngào của tình yêu, chân lý, cái đẹp thuần túy và vĩnh cửu. Thân xác như một chướng ngại vật khó chịu đối với linh hồn. Khi nhập vào thân xác, sự hài hòa ban đầu của các phần khác nhau của linh hồn tiếp tục bị đảo lộn, tri thức trước kia bị bỏ quên, mà tính trì trệ của thân xác như là một chướng ngại vật khó chịu làm cản trở sự phục hồi tri thức.
Vậy làm thế nào để phục hồi đạo đức đã mất? Plato cho rằng : Lý trí phải dành lại quyền điều khiển các phần phi lý tính của bản ngã. Chỉ tri thức là có khả năng tạo ra đức hạnh, bởi vì chính sự ngu dốt hay tri thức sai lạc đã tạo ra cái ác. Tri thức nằm sâu trong ký ức trí khôn. Những gì linh hồn biết trước kia bây giờ nhớ lại. Nó di chuyển từ bóng tối ra ánh sáng, từ mê muội sang hiểu biết. Phải có một tác nhân bên ngoài giúp linh hồn thức tỉnh, bắt linh hồn đứng dạy, quay lại…và vươn tới ánh sáng. Khi trí khôn đi từ mức độ thấp lên cao, nó dần nhớ lại những gì nó đã biết trước đây và cần phải biết để đạt sự hòa hợp nội tâm. Sự phát triển đạo đức song song với tri thức của người ấy, vì sự tăng trưởng tri thức làm gia tăng tình yêu đối với chân, thiện và mỹ (cái đẹp)[3]. Đức hạnh là tri thức, vì đó là hành trình đi tìm kiếm khôn ngoan để biết hành động nào là đúng thật sự, tri thức đích thực về những hậu quả của mọi hành vi, đức hạnh là sự hoàn thành một chức năng độc đáo.
Đời sống tốt lành là đời sống có sự hài hòa nội tâm, an lạc và hạnh phúc . Lý trí có một chức năng và chỉ tốt khi nó hành động đúng. Dục vọng có chừng mực, không lấn lướt lý trí, quân bình trong lạc thú và ước muốn sẽ dẫn tới đức hạnh tiết độ. Ý chí thuộc phần tinh thần của linh hồn, giữ giới hạn và chừng mực, tránh hành động nông nổi, trở thành sức mạnh đáng tin cậy dẫn tới đức hạnh can đảm. Lý trí không để mình bị khuấy động bởi những dục vọng dẫn tới đức hạnh khôn ngoan. Tiết độ là sự kiểm soát hợp lý các dục vọng. Can đảm là sự sai khiến hợp lý của tinh thần. Mỗi phần hoàn thành chức năng chuyên biệt của mình sẽ dẫn tới đức hạnh công bằng. Công bằng là đức hạnh tổng hợp, nó phản ánh sự đạt tới an lạc hài hòa nội tâm của con người. Điều này chỉ đạt được khi mỗi phần của linh hồn hoàn thành đúng chức năng của mình. Như vậy, công bằng là sự hài hòa bên trong linh hồn giữa ba quan năng : lý trí, tinh thần và dục vọng. Công bằng là tạo điều kiện cho con người hoàn thành chức năng của mình.

2. Đạo đức học xã hội.
Ba cấp nhà nước là sự mở rộng của ba thành phần linh hồn, gồm : triết gia vua (Vàng), giai cấp những người giữ gìn an ninh (Bạc) và gia cấp thương gia cùng các thợ thủ công (Đồng). Vậy muốn có một xã hội tốt lành thì phải tạo ra một xã hội công bằng. Công bằng trong xã hội chính là tạo điều kiện cho con người hoàn thành chức năng của mình. “Công bằng khi thể hiện ra đời sống chính trị thành quốc cũng là sự hài hòa giữa ba thành phần xã hội : triết gia vua, gia cấp những người giữ gìn an ninh và gia cấp thương gia cùng các thợ thủ công. Công bằng là sự đồng thuận hoàn hảo, sự hài hòa trên dưới của cả ba : những thèm muốn (dục vọng) lệ thuộc vào tâm hồn (tinh thần) và tâm hồn vào lý trí, cũng như công bằng xã hội là sự hài hòa trên dưới của ba giai cấp cần thiết cho nhau : những người cai trị, những chiến sĩ hay những người giữ an ninh và những người thợ thủ công làm công việc sản xuất”[4].
3. Ảnh hưởng đạo đức học của Plato đến các trường phái triết học : chủ nghĩa Khắc Kỷ, Tân Plato, Thánh Augustinô và Trên Xã Hội, Tổ Chức, Hội Dòng.
3.1 Đối với chủ nghĩa Khắc Kỷ
Quan niệm rằng vũ trụ và thượng đế là một, sống minh triết là không sống theo những đam mê nhục dục, biết được cái vận mệnh, biết phân biệt cái thay đổi và không thay đổi, đóng trọn vai trò của mình trong vở kịch định mệnh (nhân loại). Trường phái này đã dựa trên đạo đức học của Plato : định mệnh là sự giằng co giữa hai lực, lực vật chất thì kéo xuống còn lực của hồn thì kéo lên ; thuyết chính trị của Plato : Vua, Lính và Thương Gia, và dựa trên thuyết hồn của Plato dùng lý trí để điều khiển tinh thần và dục vọng.

3.2 Đối với Tân Plato
Nỗ lực kết nối giữa Plato (hình học) và Aristotle (siêu hình học). Thuyết lan tỏa : hồn vũ trụ sinh ra các cái hồn khác. Theo Plato cái hồn vũ trụ được tạo dựng từ ý niệm và vật chất. Đối với vấn đề đạo đức, con người biết con đường đi lên và bản chất của sự thiện hảo.

3.3 Đối với Thánh Augustinô
 Khao khát của con người tạo vật hữu hạn đam mê cái vô hạn (hình ảnh con chim trong lồng của Plato). Do đó chỉ có cái vô hạn (Thiên Chúa) mới thỏa mãn cái mà con người tìm kiếm sự thiện hảo. Bản chất con người là hữu hạn, vì vậy con người phải sống trong tình yêu, sống theo trật tự sau:
* Thiên Chúa
* Chính Mình
* Tha Nhân
* Sự Vật
Hồn chỉ thỏa mãn với những cái gì bất diệt thôi. Đối với Plato ; hồn luôn đánh động con người để trở về với cái ý niệm (hồn) theo thuyết hồi tưởng của ông. Còn Thánh Augustinô : con người cần phải trở về với chính mình để tìm kiến sự Thiện Hảo (thuyết soi sáng của Augustinô)
3.4 Đối với xã hội, tổ chức hay hội dòng
            Tư tưởng cảm nghiệm tôn giáo của đấng sáng lập (viễn tưởng), qui tụ các môn đệ và bành trướng ý tưởng ban đầu sau đó phát triển mạnh mẽ, qui chế hệ thống, sống theo luật và hiến pháp, tranh chấp và cách sống hiến pháp, khủng hoảng, canh tân, giải tán và ly khai. Khi canh tân người ta  phải trở về với ý tưởng ban đầu, cắt bỏ những cái không phù hợp. Qua tiến trình trên ta thấy xã hội phản ảnh sự quân bình của con người. Xã hội muốn có trật tự, ổn định thì con người trong xã hội đó phải sống quân bình. Đạo đức học cá nhân của Plato cho thấy rõ hồn ở trong xác, xác làm cho hồn nặng nề, con người phải sống hài hòa quân bình với chính mình với thiên nhiên và với vũ trụ.
4. Ưu và Khuết điểm đạo đức học của Plato.
4.1 Ưu điểm
Plato đặt nền tảng đạo đức trên cái mô biểu, thế giới phản ánh cái thực tại sâu hơn nó, hình bóng phản ánh thực tại, những gì ta sống là phản ánh thực tại. Cá nhân tìm sự quân bình, lý trí điều khiển đam mê và dục vọng. Xã hội vua phải lãnh đạo lính và thương gia. Đạo đức học của Plato nói lên được cái cốt lõi của con người và xã hội là sự Thiện Hảo.
4.2 Khuyết điểm
Quá lý tưởng khó mà áp dụng cho xã hội dân chủ ngày nay. Con người có sự khao khát thiện hảo, nhưng ai có thể nói về cái ý niệm tuyệt đối và thiện hảo? Khía cạnh cá nhân lý trí điều khiển tinh thần và dục vọng, nhưng con người còn phức tạp hơn nữa : nó có bản năng, siêu ngã. Đạo đức học của Plato quá đơn giản, chưa giải quyết được cái tất định và tự do.     
                                                                                                                          Paul Alex


[1]Sđd Trang 57
[2]Sđd Trang 58
[3] Sđd, Trang 61
[4] Hỏi Đáp Triết Học Tập III, Lịch Sử Triết Học Tây Phương, NXB Trẻ, Trang 29, 30

                                                                                                                                          Paul Alex

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét