Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Quan niệm Chính danh của Nho Gia

Nếu Phương Đông là chiếc nôi lớn của văn minh nhân loại thì Ấn Độ và Trung Quốc là những trung tâm văn hóa triết học cổ xưa rực rỡ, phong phú nhất của nền văn minh ấy. Một trong những tư tưởng triết học Phương Đông thời đó mà ý nghĩa của nó vẫn còn giá trị cho đến tận ngày nay về vấn đề luân lý, đạo đức, siêu hình, chính trị - xã hội đó là những tư tưởng triết học của Nho Gia. Trong bài này tôi xin được đề cập đến ba vấn đề sau :
      1. Bối cảnh ra đời học thuyết Chính danh
      2. Học thuyết Chính danh một sáng kiến của Khổng Tử
      3. Nội dung của học thuyết Chính danh
      4. Nhận định và phê bình về thuyết Chính danh  
                                                                             
           Nho Gia xuất hiện vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên, dưới thời Xuân Thu, người sáng lập là Khổng Tử (1551 tr. CN – 479 tr. CN). Đến thời Chiến Quốc, Nho Gia đã được Mạnh Tử và Tuân Tử hoàn thiện và phát triển theo hai xu hướng khác nhau; duy tâm và duy vật trong đó dòng Nho Gia Khổng Tử và Mạnh Tử có ảnh hưởng rộng và lâu dài nhất trong lịch sử Trung Hoa và một số nước lân cận.
1.   - Bối cảnh ra đời học thuyết Chính danh
Khổng Tử sinh thời của ngài thường nói với học trò rằng “(Ngô) thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ”[1] nghĩa là : Ta chỉ thuật lại mà không trước tác, tin vào đạo lý đời xưa. Các nhà nghiên cứu về Nho Gia và Khổng Tử ngày nay đều cho rằng, trong các tác phẩm như Kinh Thi, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu, Luận Ngữ… thì chỉ có quyển Luận Ngữ được xem là đáng tin cậy nhất[2] vì những lời phát biểu của Khổng Tử trong sinh thời mà phần lớn là đàm thoại với học trò của ngài. Do đâu mà Khổng Tử đề ra học thuyết Chính danh?
Trong thời đại của mình, Khổng Tử nhận thấy tình trạng rối ren, phức tạp của xã hội phong kiến thời Chu. Xã hội mà tôn ti trật tự bị rối ren, đảo lộn. Ngài lấy làm tiếc cái thời đầu nhà Chu như Chu Võ Vương, Chu Công… sao mà thời đại tươi đẹp, phong hóa tốt tươi đến thế! Ngài nhìn thấy tình cảnh “Tôi thí vua, con giết cha không phải nguyên nhân của một sáng một chiều”[3]. Mọi sự việc, nguyên nhân đều có cái cớ của nó. Mà cái cớ này không tự dưng mà có mà nó được tích lũy dần dần qua thời gian mà đến một thời điểm nào đó, chúng ta tạm gọi đó là điểm nút thì sẽ xảy ra kịch tính như trên. Kinh dịch có câu “Đi trên sương mà băng giá tới” (Lý sương kiên băng chí) là thuận với lẽ diễn tiến tự nhiên của mọi sự vậy.
Khổng Tử thấy tình trạng xã hội thời ngài hỗn loạn đến nỗi “Tôi giết vua, con giết cha” là tệ hại lắm rồi, nhưng ngài là người không thích bạo lực, không thích làm cuộc thay đổi triệt để để triệt tiêu cái tệ trên bằng bạo lực cho nên ngài mới đề ra học thuyết Chính danh nhằm để cải tạo xã hội, giáo hóa xã hội dần dần. “Ông nghĩ rằng muốn cho xã hội có trật tự, thì trước hết phải Chính danh, mỗi cái danh bao hàm một số điều kiện tạo nên bản chất một loại sự vật mà danh liên quan đến. Bản chất của ông vua là những điều kiện lý tưởng mà ông vua phải có, nghĩa là những điều kiện hợp với “vương đạo”. Hành động theo vương đạo thì ông vua mới thật là vua, ông vua vừa hợp với thực vừa hợp với danh. Như vậy là có sự phù hợp giữa danh và thực. Nhưng nếu ông vua không hành động theo vương đạo, thì không phải là vua nữa, mặc dầu dân chúng vẫn coi là vua. Những tương quan trong xã hội, mỗi cái danh đều bao hàm một số trách nhiệm và bổn phận nào, và những cá nhân mang danh ấy phải có những trách nhiệm và bổn phận phù hợp với danh ấy. Đó là ý nghĩa thuyết chính danh của Khổng Tử”.[4]
2.    - Học thuyết Chính danh, một sáng kiến của Khổng Tử
Hầu hết các nhà Nho, các nhà nghiên cứu về Nho Gia và Khổng Tử đều thừa nhận rằng học thuyết Chính danh là một sáng kiến mới của Khổng Tử. Do chính ngài quan sát thấy được tình trạng lộn xộn, mất tôn ti trật tự, trên cho ra trên, dưới cho ra dưới ; vua cho ra vua, tôi cho ra tôi,… nên ngài mới đề ra học thuyết Chính danh. Thực chất, học thuyết Chính danh không những chỉ có giá trị ở thời ông. Nói theo cách của học giả Nguyễn Hiến Lê khi viết lời mào cho cuốn Khổng Tử đã phát biểu rằng : “Triết thuyết nào cũng chỉ để cứu cái tệ của một thời thôi. Muốn đánh giá một triết thuyết thì phải đặt nó vào thời của nó, xem nó có giải quyết được những vấn đề của thời đó không, có là một tiến bộ so với các thời trước, một nguồn cảm hứng cho các đời sau không. Và nếu sau mười thế hệ, người ta thấy nó vẫn còn làm cho đức trí con người được nâng cao thì phải coi nó là một cống hiến lớn cho nhân loại rồi.”
3.      -  Nội dung của học thuyết Chính danh
Các nhà nghiên cứu về Nho Gia và Khổng Tử đều trích dẫn một số câu vấn-đáp của thầy trò Khổng Tử trong Luận Ngữ, Thiên Tử Lộ vì cho rằng đó là câu chìa khóa của học thuyết Chính danh. Tôi cũng xin chép ra đây để tham khảo.
“Tử Lộ viết : Vệ quân đãi Tử nhi vi chính, Tử tương hề tiên?
Tử viết: Tất dã chính danh hồ!
Tử Lộ viết : Hữu thị tai, tử chi vu dã, hề kỳ chính?
Tử viết: Dã tai Do dã! Quân tử ư kỳ sở bất tri, cái khuyết như dã. Danh bất chính tắc ngôn bất thuận. Ngôn bất thuận tắc sự bất thành. Sự bất thành tắc lễ nhạc bất hưng. Lễ nhạc bất hưng tắc hình phạt bất trúng. Hình phạt bất trúng tắc dân vô sở thố thủ túc. Cố quân tử danh chi tất khả ngôn dã. Ngôn chi tất khả hành dã, quân tử ư kỳ ngôn vô sở cẩu nhi dĩ hỹ.”[5]
Nghĩa là : Tử Lộ hỏi : Nếu vua nước Vệ mời thầy về giúp cai trị nước, thầy làm gì trước?
Khổng tử đáp : Tất phải lấy chính danh làm trước vậy!
Tử Lộ hỏi : Có việc ấy sao? Thầy vu khoát lắm! Thế nào gọi là chính danh?
Khổng Tử đáp: Anh Do quê mùa này! Người quân tử có điều gì mình không biết thì bỏ qua mà không nói. Nay danh bất chính tất lời nói không thuận. Lời nói mà không thuận tất việc chẳng thành. Việc chẳng thành thì tất lễ nhạc không hưng thịnh. Lễ nhạc không hưng thịnh thì tất hình phạt chẳng đúng phép, hình phạt mà không đúng khuôn phép thì tất dân không biết đặt tay chân vào đâu để nhờ cậy. Cho nên người quân tử quan niệm được danh ắt nói ra được, mà nói ra được tất làm được. Người quân tử nói ra điều gì nên dè dặt không cẩu thả được!
Học giả Nguyễn Hiến Lê viết trong Hồi Ký của mình rằng : “Thuyết chính danh của ông (Khổng Tử) đẻ ra thuyết giết một bạo chúa là giết một tên thất phu của Mạnh, bắt bọn cầm quyền phải có đức, phải thương dân; ông điều chỉnh lại quyền lợi, nghĩa vụ của vua tôi; ông lại đào tạo một giai cấp mới : Kẻ sĩ để trị nước, thay thế bọn quý tộc thiếu tài, thiếu đức, giai cấp đó đa số sống ở trong giới bình dân, địa chủ mới và thương dân mà ra.”[6]
Học thuyết chính danh của Khổng Tử không chỉ chỉ được áp dụng trong chính trị, cai trị mà còn được ông áp dụng trong cách gọi tên sự vật, đồ vật. Sách Nho Giáo có câu chuyện về cái bình đựng rượu được gọi là cái “cô”. Thời trước Khổng tử, cái bình đựng rượu có cạnh góc người ta gọi là cái “cô”. Đến đời Khổng Tử, người ta làm cái bình đựng rượu bỏ cạnh góc đi mà vẫn gọi là cái “cô”, Khổng Tử không hài lòng về tên gọi này vì theo ông, nếu cái bình đựng rượu muốn được gọi là cái “cô” thì phải phục hồi hình dạng cũ của nó. Còn nếu không thì gán cho nó một cái tên mới mà không gọi là cái cô nữa. (Khổng Tử, Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Hóa 1995).
Qua hai dẫn chứng trên chúng ta thấy Khổng Tử rất coi trọng tôn ti, trật tự, trên dưới, mà tư tưởng này đã có trước thời Khổng Tử rồi. Nó bị biến dạng dưới thời ông, do đó, ông xiển dương học thuyết Chính danh để sửa trị lại trật tự xã hội, sự cai trị. Đặt sự vật với đúng tên gọi của nó (trường hợp cái “cô”).
Chủ trương làm cho xã hội có trật tự, Khổng Tử cho rằng trước hết là thực hiện “Chính danh”. Mỗi cái danh đều mang trong nó những điều kiện bản chất mà vật mang danh ấy phải thực hiện cho đúng. Trong xã hội vua phải ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con, … Đó là ý nghĩa thuyết chính danh của Khổng Tử. Sau này các triết gia Trung Quốc đã tiếp tục nghiên cứu và phát triển nó dựa trên nền tảng mà ông đã đưa ra.
Mặc Tử có quan niệm khác về danh và thực. Nếu Khổng Tử đưa ra sự phù hợp giữa danh và thực theo nghĩa mang danh nào thì phải có tính chất đúng với cái danh ấy thì Mặc Tử lại có quan điểm “thủ thực dữ danh”, tức là phải dựa vào sự vật và hành vi trong tồn tại mà đặt tên. Phát triển quan điểm đó Mặc Tử còn đưa ra ba tiêu chuẩn (tam biểu) để đi tìm cái đúng : căn cứ vào những kinh nghiệm của các thánh nhân đời xưa, căn cứ trên kinh nghiệm của bách tính, và căn cứ trên sự xác nhận của thực tiễn khi đem một chính sách ra dùng.
Tuân Tử thuộc Nho Gia kế thừa học thuyết của Khổng Tử kết hợp với những thành quả của Mặc Gia đã thành lập một hệ thống lý luận khá chặt chẽ, làm nền tảng cho sự diễn tả thuyết chính danh Nho học của ông.
4.      - Nhận định và phê bình về thuyết Chính danh.     
Học thuyết Chính danh do Khổng Tử sáng kiến cách đây hơn 2.500 năm từ thời Trung Quốc còn đang ở chế độ phong kiến phân quyền với lòng mong muốn của ông phục hồi lại chế độ, lễ lạc tốt đẹp của thời nhà Chu ban đầu khi ông nhận thấy tình trạng xã hội khá lộn xộn, mất tôn ti trật tự. Ông vốn là người khoan hòa, tuy có tư tưởng cách mạng nhưng không thích chiến tranh, do đó ông mới đề ra học thuyết Chính danh để cải tạo xã hội một cách dần dần.
Theo cách nói của học giả Nguyễn Hiến Lê thì “Nếu sau mười thế hệ, người ta thấy nó vẫn còn làm cho đức trí con người được nâng cao thì phải coi nó là một cống hiến lớn cho nhân loại rồi.” Chính danh là làm việc không mờ ám, không che dấu sự thật hoặc bóp méo sự thật. Thiết nghĩ rằng, chúng ta còn phải tiếp tục nêu cao chính nghĩa, nêu cao những tấm gương người tốt, việc tốt tiêu biểu để thu phục được lòng tin của nhân dân. Triết học Trung Hoa cổ, trung đại là một bộ phận quan trọng của triết học phương Đông, trong đó có thể nói Nho Gia là một trường phái quan trọng và có giá trị vào loại bậc nhất. Mặc dù ra đời để phục vụ cho chế độ phong kiến nhưng đến nay nhiều tư tưởng, quan niệm về xã hội, con người, đạo đức, giáo dục,… của Nho Gia vẫn còn giá trị và mang tính thời sự, như tư tưởng nhân nghĩa và học thuyết Chính danh. “Nhân nghĩa” có ý nghĩa trong mọi mặt của đời sống, nhưng “Chính danh” lại tác động sâu sắc tới việc đảm bảo trật tự và ổn định xã hội, đặc biệt là ở lĩnh vực chính trị.
“Chính danh” theo Khổng Tử đề xướng là một nguyên tắc cai trị xã hội, được hiểu là : một vật trong thực tại cần phải cho phù hợp với cái danh nó mang, có nghĩa là đảm bảo sự phù hợp giữa cái danh và cái thực. Đây là một học thuyết có giá trị không chỉ trong thời phong kiến mà cả trong thời hiện đại. Chủ trương làm cho xã hội có trật tự, Khổng Tử cho rằng trước hết là thực hiện “Chính danh”. Mỗi cái danh đều mang trong nó những điều kiện bản chất mà vật mang danh ấy phải thực hiện cho đúng. Trong xã hội vua phải ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con, … Đó là ý nghĩa thuyết Chính danh của Khổng Tử. Sau này các triết gia Trung Quốc đã tiếp tục nghiên cứu và phát triển nó dựa trên nền tảng mà ông đã đưa ra. Người nào cũng phải công nhận rằng học thuyết Chính danh là một sáng kiến của ông và đó là sự đóng góp quan trọng của ông cho Trung Quốc nói riêng và nhân loại nói chung.
Tuy nhiên bên cạnh đó học thuyết Chính danh cũng có một số hạn chế đó là lối sống gia trưởng trong gia đình, tư tưởng trọng nam khinh nữ. Trong gia đình, người cha, người chồng, người anh cả là người có quyền lực cao nhất, người phụ nữ trong gia đình bị phụ thuộc hoàn toàn vào chồng, không có quyền tham gia vào những việc đại sự trong gia đình. Đặc biệt đạo “tam tòng” (Tại gia tòng phu, xuất gia tòng phụ, phu từ tòng tử), (ở nhà thì phải nghe theo cha, đi lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con) đã trói buộc người phụ nữ họ không có quyền tự chủ quyết định cuộc đời và tương lai của mình.
Ở Việt Nam, học thuyết Chính danh cũng như Nho giáo nói chung đã góp phần hình thành nên hệ thống tư tưởng triết học mang đậm bản sắc dân tộc. Trong khi các nguyên tắc cai trị xã hội của Nho giáo Trung Hoa có phần cứng nhắc và hà khắc thì ở Việt Nam thấm sâu tình nhân ái và lòng yêu nước được đặt lên hàng đầu.
Nói tóm lại thuyết chính danh cũng như Nho giáo có vai trò quan trọng trong nền triết học cổ, trung đại Trung Hoa nói riêng và phương Đông nói chung. Và thuyết Chính danh nguyên thủy do Khổng Tử đề xướng là nền tảng để các nhà Khổng giáo đời sau phát triển cho phù hợp với xã hội Trung Quốc luôn biến chuyển góp phần ổn định trật tự xã hội. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO :
1/ Trung Quốc Triết Học Sử Đại Cương, Hồ Thích, bản dịch của dịch giả Minh Đức, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2004.
2/ Khổng Tử của học giả Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Hóa 1995.
3/ Nho Giáo Quyển Thượng của cụ Trần Trọng Kim, Trung Tâm Học Liệu xuất bản 1971.
4/Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc, Phùng Hữu Lan, bản dịch của dịch giả Nguyễn Văn Dương, NXB Thanh Niên.
5/ Lịch Sử Triết Học Phương Đông tập I của học giả Nguyễn Đăng Thục, NXB TP. Hồ Chí Minh 2001.
6/ Nho Giáo Trung Quốc của nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Nhan.
7/ Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Học tái bản lần VI 2006.
8/ Tứ Thư, Đoàn Trung Còn dịch, NXB Thuận Hóa 2006.


[1] Luận Ngữ, thiên Thuật, Đoàn Nhi (rút ra từ tập Tứ Thư Trung Còn dịch, NXB Thuận Hóa 2006).
[2] Học giả Nguyễn Hiến Lê khi viết về Khổng Tử thì chỉ dùng bộ Luận Ngữ mà thôi.
[3] Trung Quốc Triết Học Sử Đại Cương, Hồ Thích, Minh Đức dịch, NXB Văn Hóa Thông Tin 2004, tr.156.
[4] Sđd tr. 57
[5] Luận Ngữ, Thiên Tử Lộ trong bản in Tứ Thư của dịch giả Đoàn Trung Còn, NXB Thuận Hóa 2006, tr. 196-198.
[6] Xem Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Học 2006 tái bản lần thứ 6, tr.722.
                                                      
                                                                                                                                        Paul Alex

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét