Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Tiếng Gọi


Chúng ta mỗi người thường có một “Tiếng Gọi” (the call) trong lòng để mình làm gì đó—bác sĩ, doanh nhân, luật sư, kỹ sư, nhạc sĩ, ca sĩ, thầy tu, nữ tu… Tiếng Gọi đó đôi khi ta nghe từ lúc còn rất bé, nhưng rất có thể là gần 50 tuổi ta mới nghe được. Và Tiếng Gọi đó là tiếng gọi của trái tim ta, hay của Chúa, hay của một ký ức từ tiền kiếp… thì để đó hạ hồi phân giải. Vấn đề của ta là nghe được Tiếng Gọi đó và đi theo nó, vì kinh nghiệm ngàn đời của con người cho thấy, Tiếng Gọi đó thường là sứ mạng của ta, mời gọi ta, đưa ta một cơ hội để phục vụ đời và để làm cho bản thân ta được tròn vẹn.
Nhưng trước khi đi xa hơn, hãy làm rõ một vấn đề mà có thể nhiều người chúng ta lấn cấn. Trong việc tu tâm, ta thường nghe và đọc được rất nhiều câu nói bảo ta đừng thèm muốn tiền bạc, của cải, danh lợi thế gian. Và thiên hạ tin rằng bỏ tất cả để đi tu mới là cội phúc—“Tu là cội phúc tình là giây oan.”
Các bạn, bạn không cần thiết phải vô chùa đi tu mới có cội phúc. Tu tại tâm chứ không phải tại chùa.
Hơn nữa, ta phải ở trong đời ta mới giúp được đời. Ở một mình rất khó giúp ai.
Nếu bạn làm bác sĩ, thì có lẽ là bạn sẽ có bằng cấp, danh tiếng, tiền bạc và địa vị. Nếu bạn không chịu nhận các thứ này thì có lẽ là rất khó cho bạn để làm bác sĩ được. Hơn nữa, cái gì ở đời tự chính nó cũng chẳng có nghĩa tốt hay xấu gì cả. Như là khúc củi thì chỉ là khúc củi, không tốt không xấu. Tốt xấu là do ta dùng—dùng khúc củi để nấu ăn, hay dùng nó để đập đầu ông hàng xóm.
Cho nên, please, đừng có chê bai bằng cấp, tiền bạc, địa vị, danh tiếng… Chúng chẳng có tội tình gì. Và không hẳn ai trong chúng ta cũng thích làm nghề ăn mày để phục vụ đời, vì chỉ có ăn mày mới không có bằng cấp, tiền bạc, địa vị, danh tiếng…
Điểm chính là chúng ta đừng nhầm lẫn “mục tiêu” và “phương tiện”. Phục vụ đời là mục tiêu. Nghề bác sĩ và bằng cấp, tiền bạc, địa vị, danh tiếng là phương tiện; mấy thứ này không phải là mục tiêu của đời ta.
Trong tâm ta phải là phục vụ đời là chính. Mọi thứ khác là phụ, chúng đến thì đến, không đến thì thôi, không phải quan tâm, lo lắng và stress.
Đó là nguyên lý sống.
Bây giờ ta trở lại “Tiếng Gọi”. Ta có đủ thứ tiếng gọi hàng ngày—người yêu gọi làm đám cưới, bạn rủ vào học cùng chuyên ngành, cuốn phim mới xem xong rủ mình đi tu, nhà nước rủ mình đi lính, đứa bạn trong ban nhạc rủ mình sống chuyên nghiệp nghề nhạc… Thế thì làm sao mình tiếng “Tiếng Gọi” thật sự của mình là gì?
Các bạn, ta thường nghe nói “tiếng gọi tình yêu”—nó mạnh mẽ đến nỗi bạn có thể bỏ tất cả để đi theo nó. Tiếng Gọi trong trái tim bạn cũng thế. Nó có thể ồ ạt, nhưng thường là nó nhẹ nhàng, nhưng thường trực, dai dẵng và kiên trì. Dường như nó chẳng bao giờ chấm dứt. Dường như bạn chẳng thể gạt nó sang một bên được. Dường như nó làm chủ nhà bạn, chẳng bao giờ rời. Dường như bạn chẳng thể làm gì khác hơn là đi theo Tiếng Gọi.
Tuy nhiên đôi khi bạn không thể nghe, không thể nhận ra Tiếng Gọi, dù là bạn có thể thi thoảng cảm thấy nó lờ mờ đâu đó. Lý do là nếu bạn có quá nhiều “tiếng ồn” trong tâm, các tiếng ồn có thể sẽ át đi Tiếng Gọi—nhiều căng thẳng đấu đá, nhiều tính toán gian manh, nhiều hận thù bức xúc, nhiều chửi bới hò hét… thì có lẽ là bạn không thể nghe Tiếng Gọi của bạn được.
Thường thì chúng ta cần một chút tĩnh lặng để có thể nghe rõ Tiếng Gọi của mình—không quá bức xúc, không quá hận thù, không quá nóng giận, không quá tham lam… Chỉ khi những xung động trong lòng lắng xuống phần nào, ta mới nghe Tiếng Gọi thôi thúc cho sứ mạng của ta.
Và khi nghe được Tiếng Gọi, hãy theo hướng đó mà đi. Con đường chưa chắc là đã dễ dàng, thường thì đó là một con đường khó khăn nhiều hơn bạn muốn, nhiều hơn bạn tưởng. Nhưng bạn sẽ được trợ lực, bạn sẽ vượt qua.
Và một lúc nào đó, nhìn lại, bạn sẽ làm được những việc mà người khác gọi là phi thường (nhưng với bạn, thì chẳng phi thường gì cả, đó là chỉ đơn giản đi theo Tiếng Gọi).

Chúc các bạn một hành trình tốt.

Mến,

Hoành
© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét